Triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển: Xây dựng tiền đề chính sách, pháp luật

Đăng ngày: 30-06-2020 | Lượt xem: 5343
Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến nay, việc xây dựng các văn bản, chính sách pháp luật có liên quan đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo tiền đề cho việc thực hiện, cụ thể hoá các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của nghị quyết.

Theo TS. Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Nghị quyết số 36-NQ/TW (NQ36) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là bản tuyên ngôn cho quan điểm về phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển”. Nghị quyết đã đưa ra quan điểm rõ ràng về phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.

Quan điểm này thể hiện xu thế tất yếu của thời đại trên toàn thế giới về đại dương. Đây cũng là một điểm nhấn mới, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ TN&MT coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, phải đổi mới và đột phá trong công tác hoàn thiện hành lang pháp lý, lồng ghép, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo nhằm thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh,bảo đảm phù hợp với NQ26. Đồng thời, tiếp tục củng cố, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ việc phát triển bền vững kinh tế biển.

* Đề ra định hướng, lộ trình triển khai

Từ thời điểm NQ36 được ban hành đến nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan nhằm xây dựng và thực hiện nhiều hoạt động, nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc xây dựng các văn bản, chính sách pháp luật có liên quan để “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển”, bước đầu đã đem lại những kết quả có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai NQ36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Có thể kể đến văn bản quan trọng nhất là Chính phủ ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện NQ36. Đây là một trong những kết quả bước đầu quan trọng, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

6 nhóm giải pháp quan trọng để triển khai Nghị quyết 36 trong 5 năm tới

Để cụ thể hoá việc triển khai thực hiện NQ36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, trong NQ26, Chính phủ đã đề ra 06 nhóm nội dung, giải pháp cụ thể, gồm có: Về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; Về phát triển kinh tế biển, ven biển; Về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; Về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Nghị quyết cũng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả và giao một số đề án, dự án, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cụ thể của kế hoạch 5 năm đến năm 2025 và kế hoạch tổng thể đến năm 2030 cho các cơ quan có liên quan chủ trì thực hiện.

Trên cơ sở NQ36 và NQ26, Bộ TN&MT và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch hành động của đơn vị mình để thực hiện 02 nghị quyết này. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao trong NQ26 và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể khác trong Kế hoạch riêng của đơn vị. Tổng cục Biển và Hải đảo là đơn vị chủ trì, tham mưu Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện NQ26 số 646-KH/BCSĐTNMT ngày 23 tháng 4 năm 2020. Đồng thời, chủ động, tích cực đôn đốc, tham gia, hướng dẫn các đơn vị trong bộ và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết và xây dựng Kế hoạch của đơn vị.

* Thủ tướng ban hành 4 quyết định quan trọng

Cuối năm 2019, đầu năm 2020, Bộ TN&MT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ký 4 Quyết định quan trọng nhằm kiện toàn tổ chức, đồng thời triển khai các hoạt động điều tra cơ bản, hợp tác quốc tế…

Đó là Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2020 về việc thành lập Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây sẽ là cơ quan điều phối liên ngành, chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chiến lược biển do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, là một bước tiến quan trọng trong phương thức chỉ đạo, điều hành, tập trung một đầu mối, thống nhất việc chỉ đạo, tránh việc chồng chéo, trùng lắp, đặc biệt nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, điều chỉnh việc thực hiện Chiến lược.

Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tối thiểu 50% diện tích vùng biển và hải đảo Việt Nam được khảo sát, điều tra, phân tích, đánh giá về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ở tỷ lệ 1:500.000 và điều tra ở tỷ lệ lớn đối với một số khu vực trọng điểm. Trong đó, Thủ tướng cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành thực hiện.

Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.Đây là kết quả của việc hiện thực hoá một trong những mục tiêu của NQ36 là “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương” và những cam kết chính trị của Việt Nam tại các hội nghị, diễn đàn khu vực và thế giới về giải quyết vấn nạn rác thải nhựa đại dương. Ngay sau đó, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai xây dựng Kế hoạch cụ thể thực hiện của đơn vị mình, bước đầu đã đạt được những kết quả được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2020 phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.Đề án đã nêu ra 06 nhiệm vụ và 07 giải pháp cho việc thực hiện, trong đó cũng giao các dự án, nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan, phân công rõ cho đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện.

Giảm thiểu rác thải nhựa biển là một trọng tâm của Nghị quyết 36

* Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật

TS. Tạ Đình Thi cho biết, hiện nay, Tổng cục đang được Bộ TN&MT giao chủ trì xây dựng, thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng văn bản, chính sách, pháp luật quan trọng khác, quan trọng nhất là suwar ddooir, boor sung Luật tài nguyên môi trường biển, hải đảo và hai quy hoạch quan trọng là Qu hoạch không gan biển và Quy hoạch tổng thể sử dụng TNMT biển vùng bờ.

Tổng cục đang rà soát, đánh giá, đề xuất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo. Sơ kết việc thi hành và nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn làm cơ sở xây dựng các dự án luật có liên quan về quản lý vùng bờ, khai thác, sử dụng các vùng biển và quản lý các hải đảo; xây dựng các nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý hoạt động lấn biển, quản lý hải đảo, quản lý đất ngập nước ven biển; xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số tổng hợp quản lý vùng biển cấp tỉnh, thành phố ven biển theo chuẩn mực quốc tế.

Tiếp đó rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 26/NQ-CP; trọng tâm là lập Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045(đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch) và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045(đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch);

Bộ TN&MT cũng đang xây dựng trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Về lâu dài sẽ xây dựng và đưa vào vận hành ổn định, thông suốt cơ chế phối hợp, liên thông trong cấp phép nhận chìm ở biển, xả nước thải vào môi trường biển, giao khu vực biển nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.

Theo monre.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: