.
Trồng cây năng lượng trên bãi thải sau khai thác khoáng sản. Ảnh: MH
Phối hợp tìm cây năng lượng tiềm năng
Cây năng lượng không chỉ giúp nhanh chóng mở rộng diện tích trồng cây, phủ xanh đất trống, chống xói mòn, tăng tính đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính tại các khu vực ảnh hưởng bởi khai thác khoáng sản, mà còn tạo ra nguồn năng lượng mới phục vụ đời sống cho người dân địa phương như: khí sinh học, nhiên liệu sinh học hoặc dùng để chế biến nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện... và tạo nguồn thức ăn chủ động cho gia súc trong điều kiện đất canh tác có hạn và bị thu hẹp.
Vì vậy, từ năm 2016, Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân (CHLB Đức) đã phối hợp nghiên cứu khả năng giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc trồng, sử dụng các loại cây trồng có khả năng sản sinh năng lượng sinh học tại các khu khai thác mỏ bị bỏ hoang và tăng cường năng lực cho các bên liên quan trong các lĩnh vực trồng cây sản sinh năng lượng sinh học của Việt Nam. Trong khuôn khổ Dự án thí điểm “Trồng cây năng lượng trên bãi thải sau khai thác khoáng sản tại Việt Nam”, hai bên đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động như: Lập danh sách các bãi thải sau khai thác khoáng sản bị, thử nghiệm trồng cây có khả năng sản sinh năng lượng sinh học tại các bãi thải sau khai thác khoáng sản, xác định tiềm năng tận dụng và các phương pháp sử dụng sinh học khối, đánh giá tính kinh tế của việc trồng cây năng lượng, dự đoán các tác động do biến đổi khí hậu,…
Đánh giá về kết quả Dự án đạt được thời gian qua, ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, việc trồng cây năng lượng là lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam nhưng rất có tiềm năng lợi ích về bảo vệ môi trường, chống xói mòn, sạt lở đất, chống biến đổi khí hậu. Hơn 2 năm thực hiện là khoảng thời gian không dài, nhưng Dự án đã nghiên cứu, xác định được một số cây năng lượng tiềm năng và phù hợp với Việt Nam.
Đã tìm được loại cây thích hợp
Trong thời gian thực hiện dự án, các loại cây năng lượng (keo lai, cỏ VA06, cao lương, sắn, mía đường, …) đã được đưa vào trồng thử nghiệm tại 3 bãi thải có đặc điểm khác nhau. Đó là bãi thải từ khai thác ti tan tại Núi Pháo (Thái Nguyên); bãi thải khai thác than tại Quảng Ninh, bãi thải khai thác khoáng sản bô xít tại Lâm Đồng.
Tại Núi Pháo (Thái Nguyên) từ đầu năm 2016, Công ty NuiPhao Mining đã trồng thử nghiệm ba loại cây năng lượng là keo lai Úc, cỏ VAO6 và cao lương ngọt (thời gian trồng thử nghiệm là 3 năm). Sau 18 tháng trồng thử nghiệm, kết quả cây keo lai Úc và cỏ VAO6 rất thích hợp với đất đai, khí hậu khu vực mỏ Núi Pháo; còn cây cao lương ngọt thì không phù hợp, nên đã trồng thay thế bằng cây sắn cao sản xen với cây đậu xanh. Những loại cây này đều sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu được với thời tiết khô hạn, dễ trồng, tốn ít công chăm sóc. Cây keo lai Úc là loại cây có khả năng giữ đất, chống sạt lở, xói mòn, làm tăng chất hữu cơ và cố định đạm cao cho đất.
Cỏ VAO6, ngoài những tính năng như cây keo lai Úc, còn có thể làm thức ăn chăn nuôi gia súc rất hiệu quả (sản lượng thân lá trung bình đạt 80tấn/ha). Hiện nay, cây keo lai Úc đã được mở rộng diện tích từ 4.500m2 lên gần 10ha; cỏ VAO6 từ 3.000m2 lên khoảng 3ha... Điều đó cho thấy, hiệu quả thiết thực của các loại cây năng lượng này trên vùng đất mỏ Núi Pháo. Kết quả bước đầu này đã được các đại biểu tham dự Hội thảo Trồng thử nghiệm cây năng lượng trên đất mỏ Núi Pháo đánh giá cao hiệu quả của nó.
Tại bãi thải than Quảng Ninh, cho đến nay, cây keo vẫn là cây trồng được lựa chọn hàng đầu, Ngoài ra, còn 4 cây lấy dầu trên có thể sinh trưởng tốt ở điều kiện đất nghèo dinh dưỡng. Những cây này tuổi thọ cao, chịu được khô hạn, kháng sâu bệnh tốt... phù hợp với tính chất của bãi thải than có chiều cao và độ dốc lớn, khả năng giữ nước kém, nghèo dinh dưỡng, đất thuộc loại chua.
Đối với, dự án trồng cây năng lượng được triển khai thực hiện thí điểm trên diện tích gần 3 ha tại khu vực hoàn nguyên sau khai thác quặng bauxit nhôm Lâm Đồng, các loại cây thử nghiệm thành công ở khu khai thác mỏ than Quảng Ninh, Thái Nguyên lại không mang lại kết quả tích cực. Hầu hết các loại cây này cho đến nay đều chưa thể hiện tính vượt trội. Từ những ghi nhận này, các chuyện gia đã kết luận hướng đi để trồng cây trên đất sau khi khai thác bauxite vẫn là các loại cây gỗ kết hợp với một số loại cây trồng khác. Phương án để hoàn nguyên đất bauxite khả thi nhất chính là trồng keo, tràm theo đường đồng mức với khoảng cách hàng là 25 m. Giữa các hàng thì trồng cỏ Vertiver để giữ đất, giữ nước, tái tạo chất hữu cơ, sau đó sẽ tiếp tục trồng khoai mì thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Nguồn: Báo TN&MT