Trung Quốc ngăn dòng Mekong: Thời kỳ ĐBSCL ảnh hưởng lớn nhất...

Đăng ngày: 18-01-2021 | Lượt xem: 2249
Theo dự báo, ảnh hưởng của việc giảm xả từ thủy điện Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2.

Theo thông báo của Ủy hội sông Mekong (MRC) hôm 6/1, Ban thư ký MRC nhận được thông báo của Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc vào ngày 5/1 về việc lưu lượng nước tại trạm thủy điện Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang giảm xuống do bảo trì lưới điện trong thời gian từ ngày 5–24/1/2021, dẫn đến sự thay đổi mực nước dọc theo sông Mekong ở Thái Lan, CHDCND Lào và Campuchia.

Thông báo này nêu rõ, việc bảo trì các đường dây truyền tải sẽ làm giảm lượng nước chảy ra ở mức 1.000m3/s. Lượng nước chảy sẽ dần khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường vào ngày 25/1. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc không nói rõ mực nước sông Mekong trước khi giảm hoặc khối lượng nước sẽ được khôi phục vào 25/1 là bao nhiêu.

Đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc. Ảnh: News.163.com

Sau thông tin trên, ngày 15/1, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc theo dõi diễn biến dòng chảy sông Mekong và xâm nhập mặn tại ĐBSCL.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời diễn biến dòng chảy sông Mekong và xâm nhập mặn tại ĐBSCL, chủ động chỉ đạo, điều hành sản xuất phù hợp, hạn chế thiệt hại.

Theo ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nguồn nước mùa khô năm 2020-2021 về vùng ĐBSCL xấp xỉ so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 1/2021 tương đương so với trung bình và có cao hơn so với năm kiệt 2015-2016 và 2019-2020, ảnh hưởng của việc giảm xả thủy điện Trung Quốc được xem như ít có ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảu ở tháng 1/2021.

Dự báo nguồn nước từ thủy điện Trung Quốc xuống hạ lưu mùa kiệt năm 2021 vào khoảng trên dưới 1000m3/s đã được dự báo từ rất sớm. Chính vì vậy, việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc giai đoạn 5-24/1/2021 xuống còn khoảng 1000m3/s được xem là kịch bản đã được lường trước.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đánh giá, ảnh hưởng của việc giảm xả từ thủy điện Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, đúng vào thời kỳ cả nước chuẩn bị kết thúc năm Canh Tí và đón Xuân Tân Sửu, dự báo từ 25/1/2021 các ảnh hưởng đến biên giới và hết ảnh hưởng ra đến biển ở đợt giảm xả này đến 25/2/2021.

Thời kỳ ảnh hưởng lớn nhất đúng vào những ngày Tết cổ truyền, ngày 8/2/2021-16/2/2021, mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 48-70km và 75-90km trên sông Vàm Cỏ.

Vì thế, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam kiến nghị các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ, bằng cách vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về.

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước. Việc tăng cường các giải pháp tích nước vào hệ thống kênh, mương, ao, các dụng cụ trữ khác ngay từ bây giờ đến ngày 7/2/2021 sẽ hạn chế thiệt hại đợt mặn tăng cao do ảnh hưởng của giảm xả nước hồ chứa phía thượng lưu.

Theo datviet.trithuccuocsong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: