Xác định vai trò quan trọng của năng lượng nguyên tử trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngày 03/01/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ban hành Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, trong đó có mục tiêu “Ứng dụng rộng rãi, hiệu quả năng lượng bức xạ trong các ngành kinh tế - kỹ thuật, có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, phục vụ nhu cầu xã hội như chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, đồng thời đặt ra một số nhiệm vụ liên quan tới tài nguyên và môi trường. cụ thể là: “Trong khí tượng - thủy văn và địa chất - khoáng sản: Sử dụng và phát triển công nghệ ứng dụng năng lượng bức xạ phục vụ cho công tác điều tra, đánh giá, thăm dò tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, quản lý nguồn nước ngầm, nghiên cứu sa bồi cửa sông, bến cảng, lòng hồ và đánh giá an toàn đê, đập, dự báo và phòng ngừa thiên tai”; và “Trong bảo vệ môi trường: Sử dụng các kỹ thuật phân tích hạt nhân và liên quan trong nghiên cứu đánh giá ô nhiễm môi trường (biển, đất, nước, không khí). Xử lý các loại chất thải bằng công nghệ chiếu xạ gamma và công nghệ chùm điện tử gia tốc. Dò phá bom, mìn bằng kỹ thuật hạt nhân”.
Sau khi Chiến lược ban hành, Chính phủ cũng đã ký triển khai các Quy hoạch, Đề án nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược nhằm nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Với những thành tựu nghiên cứu ứng dụng ký thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong nhiều năm qua, Hội thảo lần này mong muốn các nhà khoa học đóng góp những ý kiến, kinh nghiệm các thành quả khoa học từ các ứng dụng này vào thực tiễn sử dụng, quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Thực hiện Chiến lược Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, dưới sựu chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ trong những năm qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đánh giá vẫn còn nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung cụ thể mà Chiến lược, Quy hoạch đã đặt ra chúng ta chưa hoàn thành được. Ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để vượt qua được những khó khăn, trở ngại, để tăng cường và mở rộng nghiên cứu, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường nói riêng, việc trao đổi kết quả và hợp tác giữa các tổ chức và cá nhân liên quan có vai trò rất quan trọng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng rằng kết quả của Hội thảo lần này sẽ góp phần tổng kết, đánh giá kết quả, thực trạng nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá để định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng mới, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa các tổ chức, cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và quốc tế liên quan.
Với chủ đề “Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường”. Các nhà khoa học đã trình bầy các công trình nghiên cứu, các báo cáo đánh giá khoa học về tiềm năng ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường như đề tài: “Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về TNMT”; “Mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia”; “Ứng dụng kỹ thuât đồng vị và hạt nhân trong điều tra đánh giá xói mòn đất”; “Ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong điều tra, đánh giá phụ vụ quản lý tài nguyên nước”. “Sử dụng kỹ thuật hạt nhân trong đánh giá an toàn đê đập”…. Qua đó một lần nữa khẳng định nhu cầu về việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản trong các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường là rất lớn. Đồng thời, các nhà khoa học trong nước cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ để giải quyết các vấn đề cụ thể trong các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường.
Qua Hội thảo này, Bộ TN&MT mong muốn kết nối các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị với những cán bộ làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản trong các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường để phối hợp cùng nhau đề xuất, xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường có ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ, đặc biệt trong các lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, tài nguyên đất, địa chất và khoáng sản, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo và biến đổi khí hậu.
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân giao Vụ Khoa học và Công nghệ tiếp tục làm đầu mối để phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường (có ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, đặt hàng theo quy định.
Nguồn: Báo TN&MT