Đa dạng sinh học của Ninh Bình tập trung tại các khu vực đã được bảo tồn, bảo vệ như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu BTTN đất ngập nước Vân Long, Rừng văn hoá lịch sử Hoa Lư.
Đặc biệt, UNESCO đã công nhận 7 xã ven biển thuộc địa giới hành chính huyện Kim Sơn thuộc vùng đệm và vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng năm 2004; Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản “kép” đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2014; Khu BTTN đất ngập nước Vân Long được công nhận là Khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam vào năm 2019.
Một góc rừng ngập mặn biển Kim Sơn thuộc Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng |
Những năm qua công tác kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Các sở, ban, ngành và các đơn vị có chức năng, đặc biệt là lực lượng công an và kiểm lâm đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài nguy cấp quý hiếm trên địa bàn toàn tỉnh. Các tụ điểm kinh doanh, buôn bán các loài động vật hoang dã quý hiếm đã cơ bản được xoá bỏ. Công an tỉnh phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ vận chuyển, mua bán động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ triển khai các dự án và hợp tác quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai đồng bộ và đã đạt được những kết quả rõ nét như: Các dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo Chương trình 327, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định 661, dự án trồng cây ăn quả vùng đồi núi, dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp nuôi trồng thuỷ sản huyện Kim Sơn được thực hiện khá hiệu quả góp phần quan trọng vào việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Sở NN&PTNT thực hiện 15 mô hình bảo vệ rừng bền vững, nhiều đề tài khoa học đã được triển khai và phát huy tốt thành quả như mô hình trồng tràm nước ngọt trên vùng đất lầy thụt tại Khu BTTN đất ngập nước Vân Long…
Một cá thể gấu đang được chăm sóc tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình |
Ông Mai Văn Quyền, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư – Vân Long cho biết: Ngay từ khi thành lập Khu BTTN đất ngập nước Vân Long (năm 2001), Ban quản lý đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, huyện xây dựng ranh giới, cắm mốc, thống kê các loại đất trong Khu bảo tồn và giữ nguyên người dân bản địa, không di dân ra khỏi Khu bảo tồn để hướng đến mục tiêu bảo tồn bền vững dựa trên cơ sở cộng đồng.
Ngoài ra, công tác trồng mới và bảo vệ rừng luôn luôn được đặc biệt chú trọng. Từ năm 2001 đến nay, có hơn 40 ha rừng đã được trồng mới tại Vân Long, trong đó có 3 ha rừng là cây bản địa được trồng, khoanh nuôi để tăng cường thức ăn cho loài Voọc. Tỷ lệ che phủ rừng tốt đã tạo môi trường sinh sống cho các loài động thực vật, làm giá đỡ cho các loài chim sinh trưởng phát triển. Năm 2001 chỉ có khoảng 40 cá thể Voọc mông trắng thì đến năm 2017 có khoảng 170 – 180 cá thể.
Quần thể Danh thắng Tràng An Di sản “kép” đầu tiên ở Việt Nam |
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong suốt những năm vừa qua, Ninh Bình đã chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy bền vững giá trị mà các hệ sinh thái tiêu biểu mang lại như: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng các quy ước về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trên cơ sở tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng, được chính người dân xây dựng, cam kết và tổ chức thực hiện.
Đặc biệt là kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra, Ninh Bình đẩy mạnh công tác thoả thuận hợp tác với một số tổ chức quốc tế nhằm tạo điều kiện giúp đỡ về lĩnh vực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.
Theo Báo TN&MT