Xây dựng khung pháp lý đầy đủ
Hiện, Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Đến nay, Việt Nam đã xác định được khoảng 49.200 loài sinh vật, bao gồm 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; có trên 11.000 loài sinh vật biển.
Để bảo vệ nguồn gen, Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý tương đối đầy đủ, với nhiều bộ luật liên quan như: Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là Luật Đa dạng sinh học. Theo đánh giá của các chuyên gia, nội dung tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích trong Luật Đa dạng sinh học 2008 và Nghị định 65/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học đã thể hiện tương đối đầy đủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đây là một nỗ lực lớn đối với quá trình hội nhập quốc tế, trong bối cảnh các bên vẫn đang trong quá trình thương lượng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh.
Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Nghị định đã thay thế các quy định của Điều 18, Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 65/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học.
Nghị định số 59/2017/NĐ-CP được ban hành nhằm luật hóa các quy định của quốc tế, điều chỉnh hệ thống văn bản trong nước theo hướng phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng, khắc phục những tồn tại hiện có để đáp ứng yêu cầu về quản lý tiếp cận và sử dụng nguồn gen…
Ứng dụng KH&CN để bảo tồn nguồn gen
Tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc ứng dụng KH&CN hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen; bảo tồn kết hợp với sử dụng bền vững nguồn gen góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen được thực hiện trên cơ sở mạng lưới quỹ gen thống nhất toàn quốc.
Từ định hướng này, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học phát huy chất xám chung tay nghiên cứu gìn giữ giá trị sinh thái. Bằng chứng là nhiều năm qua, công tác điều tra, thu thập và nhập nội nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật (VSV) đã và đang được các cơ quan trong hệ thống bảo tồn quỹ gen quốc gia tiến hành trong cả nước.
Đáng chú ý, việc sử dụng nguồn gen đã được tư liệu hóa phục vụ chọn tạo giống mới ngày càng được tăng cường. Đối với nguồn gen cây lâm nghiệp: Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đã chọn được một số loài bạch đàn, keo sinh trưởng nhanh. Với nguồn gen cây thuốc, nước ta đã triển khai một số dự án khai thác nguồn gen phát triển sản xuất giống và sản xuất dược liệu hàng hóa cung ứng nguyên liệu cho sản xuất thuốc.
Còn với nguồn gen vật nuôi, trong giai đoạn qua, nhiều nguồn gen đặc sản đã và đang được khai thác và phát triển (chọn lọc xây dựng đàn hạt nhân, xây dựng quy trình kỹ thuật chăn thả, xây dựng mô hình chăn nuôi thương phẩm) có hiệu quả ở nhiều địa hương trên toàn quốc toàn quốc như: lợn, gà, vịt, bò bản địa.
Sử dụng nguồn gen thủy sản trong việc lai tạo, chọn giống đã thực hiện thành công đối với các nguồn gen cá chép, rô phi, cá tra và một số loài khác, tạo ra các giống lai, giống chọn lọc cho năng suất cao, chất lượng tốt (Chép V1 năng suất tăng 33% so với quần đàn ban đầu). Nhiều chủng VSV đã được nghiên cứu, phân lập, tuyển chọn và khai thác sử dụng hiệu quả cho trồng trọt, thú y, nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường.
Tháng 4 vừa qua, Bộ KH&CN quyết định phê duyệt kinh phí để tiến hành xây dựng Trung tâm Bảo tồn nguồn gen động vật quý của Việt Nam tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Tổng kinh phí được cấp là 30 tỷ đồng cho 3 năm từ nguồn Quỹ Bảo tồn nguồn gen của Bộ KH&CN. Đây được xem là động thái tích cực góp phần cứu cánh các nguồn gen đang có nguy cơ trên đà tuyệt chủng.
Theo Báo TN&MT