Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn

Đăng ngày: 17-10-2019 | Lượt xem: 1030
Thực hiện quy định của Luật khí tượng thủy văn, ngày 15/5/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn (sau đây gọi tắt là Nghị định số 38/2016/NĐ-CP). Căn cứ quy định của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đã triển khai thi hành các nội dung liên quan.

Về thi hành quy định quan trắc khí tượng thủy văn của chủ công trình và việc cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn (quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định số 38/2016/NĐ-CP). Trong nội dung này, tính đến thời điểm hiện tại, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP, đã có 58 tỉnh, thành phố lập danh mục 433 và 03 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, lập danh mục 161 công trình và chủ công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV thuộc phạm vi quản lý. Ngoài các công trình trên, theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân và thống kê của Tổng cục KTTV thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên lãnh thổ Việt Nam hiện đã có khoảng gần 700 trạm KTTV chuyên dùng hiện đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực (không bao gồm lĩnh vực quốc phòng, an ninh).

Về thi hành quy định hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn (quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 38/2016/NĐ-CP). Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức triển khai áp dụng các quy định mới đối với hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia. Các tổ chức, cá nhân có công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng đã vận dụng các quy định trên để áp dụng đối với hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng thuộc quyền quản lý.

Về thi hành các quy định liên quan tới hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia (quy định tại Mục 3 Chương II Nghị định số 38/2016/NĐ-CP): Trong thời gian qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức thẩm định, tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 01 giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (Công ty AgrilMedia), đang xem xét, thẩm định cấp giấy phép cho 01 tổ chức sự nghiệp công; hiện nay đang tiếp tục có một số doanh nghiệp, cá nhân triển khai các hoạt động chuẩn bị cơ sở vật chất để xin giấy phép dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời gian tới.

Về thi hành các quy định liên quan tới khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn (quy định tại Mục 4 Chương II Nghị định số 38/2016/NĐ-CP): Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 197/2016/TT-BTC ngày 08 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị trong Ngành Khí tượng Thủy văn tổ chức việc thu phí theo quy định. Mặc dù vậy, tính đến nay, mức thu phí được không nhiều, như năm 2016 là 1.360 triệu đồng, năm 2017 là 718 triệu và năm 2018 là 989 triệu đồng.

Về thi hành các quy định liên quan tới trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 38/2016/NĐ-CP): Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản chấp thuận hoạt động trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn ra nước ngoài cho 02 doanh nghiệp (Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định cung cấp số liệu mưa của các trạm đo mưa tự động trên lưu vực hồ chứa nước Bình Định cho Tập đoàn điện lực Kyushu Nhật Bản; Công ty AgriMedia trao đổi, cung cấp thông tin dự báo khí tượng thủy văn ra nước ngoài).

Bên cạnh các kết quả đạt được, một số quy định của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP khi áp dụng vào thực tế còn gặp khó khăn. Một số địa phương chưa quan tâm đến việc rà soát, lập danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn. Nhiều chủ công trình trong danh mục phải quan trắc KTTV nhưng chưa lắp đặt máy móc, phương tiện đo, nguồn nhân lực con người không có chuyên môn thực hiện quan trắc và chưa cung cấp thông tin do không có kinh phí triển khai thực hiện hoặc cung cấp chưa đầy đủ thông tin, dữ liệu theo quy định, trong đó có cả các công trình sử dụng ngân sách nhà nước.

Một số quy định về loại công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn khó triển khai trên thực tế như một số địa phương không xác định được chủ cảng biển loại I và loại II. Ý thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ công trình KTTV chưa cao, do đó việc vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật công trình KTTV vẫn còn diễn ra tại một số trạm trên các tỉnh, thành phố. Việc triển khai theo quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn chưa đồng bộ, đặc biệt là địa phương chưa thống nhất trong triển khai thực hiện. Việc xây dựng, phê duyệt phương án cắm mốc, công khai mốc giới và bảo vệ hành lang công trình KTTV thuộc mạng lưới trạm KTTV quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, thiếu kinh phí.

Một số quy định chưa phù hợp, cần được điều chỉnh quy định theo hướng rõ ràng, dễ hiểu và vận dụng trên thực tế để đảm bảo tính thực tế trong hoạt động quan trắc và phù hợp với các hoạt động phát triển KT-XH của tổ chức, cá nhân liên quan. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn chưa thu hút được nhiều sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Nguồn thu từ phí khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn còn thấp do phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu khai thác của xã hội, vì vậy việc chủ động tăng thu không khả thi. Mặt khác, qua theo dõi, việc sử dụng thông tin, dữ liệu vẫn còn tình trạng sử dụng dữ liệu không có nguồn gốc và không có xác nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp, vì vậy thất thoát nguồn thu. Nguyên nhân bắt nguồn từ cả chủ quan và khách quan. Các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương chưa đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn chưa được quản lý tập trung, thống nhất.

Mặt khác, thời gian qua Chính phủ, các Bộ cũng đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới hoạt động KTTV, do vậy cần có sự điều chỉnh Nghị định số 38/2016/NĐ-CP để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP “Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ 03 năm rà soát, trình Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung loại công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV theo quy định tại Nghị định này.” và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng, trình ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP là đủ cơ sở pháp lý, cần thiết và có ý nghĩa quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về KTTV.

Tin VPTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: