Đảm bảo điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển sau khi triển khai Luật Khí tượng Thủy văn

Đăng ngày: 18-02-2019 | Lượt xem: 992
Theo ông Nguyễn Trần Linh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Luật, tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các Bộ đã ban hành được nhiều văn bản dưới Luật hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến Luật Khí tượng Thủy văn (cụ thể 2 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 25 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, 1 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để triển khai hoạt động khí tượng thủy văn; bảo đảm ngân sách nhà nước cho các hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai của địa phương...

Luật ra đời và đưa vào triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh quốc gia.

Để triển khai và thực hiện Luật thiết thực, hiệu quả, ngày 8/5/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2285 đôn đốc việc lập danh mục công trình và tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, lập danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 38/2016/NĐ-CP. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn có văn bản đôn đốc từng chủ công trình khẩn trương có báo cáo về việc tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

Công tác quản lý nhà nước hoạt động khí tượng thủy văn đi vào nề nếp

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (trước 9/3/2018 là Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) đã tổ chức kiểm tra, theo dõi thi hành Luật Khí tượng Thủy văn tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Cao Bằng, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Định, Lạng Sơn, Quảng Bình, Bình Thuận… Bên cạnh đó là kiểm tra công tác chuyên môn khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai theo trách nhiệm quản lý của Bộ và Tổng cục.

Ngoài ra, một số tỉnh: Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Yên Bái... đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn địa phương… Nhiều địa phương chủ yếu lồng ghép kiểm tra hoạt động khí tượng thủy văn trong kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai.

Tuy vậy, hoạt động khí tượng thủy văn là hoạt động tương đối đặc thù, có tính kỹ thuật cao. Vì vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn thiếu; một số văn bản còn mang nặng về tính kỹ thuật, khó hiểu dẫn đến khó tiếp cận, thực thi đối với đối tượng ngoài ngành. Công tác đôn đốc, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật khí tượng thủy văn còn hạn chế ở cả cấp Trung ương và địa phương. Kinh phí dành cho hoạt động triển khai thi hành pháp luật khí tượng thủy văn ít; hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ yếu mang tính đơn lẻ thông qua một số hội nghị phổ biến, tập huấn của địa phương.

Các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ của khí tượng thủy văn từng bước được cụ thể hóa, quy định minh bạch, khả thi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận, thực thi trên thực tế của các tổ chức, cá nhân. Hoạt động khí tượng thủy văn đã từng bước đi vào cuộc sống, được cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng ghi nhận về vai trò và hiệu quả của lĩnh vực thông qua hệ thống pháp luật.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn xác định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý thực hiện Luật Khí tượng Thủy văn và các quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế, chính sách về xã hội hóa, dịch vụ, thu hút, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho công tác khí tượng thủy văn; tăng cường công tác theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân thi hành các quy định của Luật Khí tượng Thủy văn; chú trọng tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan tới hoạt động khí tượng thủy văn.

Tin VPTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: