Đánh giá Chính sách 2: Đánh giá TTHC về điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn của tổ chức

Đăng ngày: 26-11-2019 | Lượt xem: 1323
Xác định vấn đề bất cập: Theo Điều 54 của Luật KTTV thì hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và đã được bổ sung vào Phụ lục 4 Danh mục, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư số 67/2014/QH13.

Do đó, để đảm bảo sự quản lý thống nhất của nhà nước trong hoạt động dự báo, cảnh báo, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, truyền phát thông tin dự báo, cảnh báo; tránh sự tùy tiện trong việc cung cấp, truyền phát thông tin dự báo, cảnh báo. Vì vậy, cần thiết phải quy định điều kiện đối với hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (Điều 9 của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP). Tuy nhiên, trong thực tế khi triển khai cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV một số điều kiện quy định đã gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động.

Mục tiêu giải quyết vấn đề Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đăng ký hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi, đơn giản và làm rõ hơn các điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV để vừa thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, vừa minh bạch hóa trong công tác thẩm định, cấp phép, quản lý của cơ quan nhà nước. Các điều chỉnh này không làm phát sinh thủ tục hành chính, thống nhất với Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề

Giải pháp 1: Giữ nguyên hiện trạng (giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành), theo đó, tại Điều 9 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP quy định:

Có cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp tối thiểu để đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn gồm: trang thiết bị, hệ thống tính toán, thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; có nguồn cung cấp dữ liệu ổn định; có quy trình kỹ thuật, công cụ dự báo, bảo đảm tính khoa học, độc lập, khách quan của các sản phẩm dự báo; có quy trình quản lý, đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo.

Có đội ngũ nhân lực tối thiểu 01 người tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khí tượng thủy văn và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Giải pháp 2: Sửa đổi Nghị định số 38/2016/NĐ-CP để vừa thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, vừa minh bạch hóa trong công tác thẩm định, cấp phép, quản lý của cơ quan nhà nước, cụ thể:

Có cơ sở vật chất, kỹ thuật tối thiểu đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn gồm: trang thiết bị, hệ thống tính toán, thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; có thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo; có quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo để các sản phẩm dự báo đủ độ tin cậy; có quy trình quản lý, đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Theo đó sửa đổi điều kiện cấp giấy phép dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức theo hướng lược giản là có đội ngũ nhân lực tối thiểu 01 người tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khí tượng thủy văn và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (quy định cũ của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP là 03 người).

 Đánh giá tác động của giải pháp 

Việc đánh giá tác động của các giải pháp thực hiện chính sách này được thực hiện theo phương pháp định tính và khó có thể thực hiện theo phương pháp định lượng do: (i) có nguồn cung cấp dữ liệu ổn định, (ii) có quy trình kỹ thuật, công cụ dự báo, bảo đảm tính khoa học, độc lập, khách quan của các sản phẩm dự báo. Các điều kiện này gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp.

Giải pháp 1: Giữ nguyên hiện trạng

a) Tác động về kinh tế:

Theo quy định, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dự báo, cảnh báo phải có nguồn cung cấp dữ liệu ổn định, có quy trình kỹ thuật, công cụ dự báo, bảo đảm tính khoa học, độc lập, khách quan của các sản phẩm dự báo là rất khó khăn. Nếu giữ nguyên theo giải pháp này thì hoạt động khí tượng thuỷ văn do Nhà nước thực hiện mới có nguồn cung cấp dữ liệu ổn định, do đó không khuyến khích các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước được tham gia và đóng góp vào chất lượng, hiệu quả của hoạt động khí tượng thuỷ văn, sẽ không có sự đổi mới trong lĩnh vực này.

b) Tác động về xã hội:

Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không có động lực tham gia hoạt động dự báo KTTV, thị trường hoạt động kinh doanh dự báo, cảnh báo không có cạnh tranh, động lực của phát triển.

Giải pháp 2: Sửa đổi, điều chỉnh điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV

a) Tác động về kinh tế: 

- Chi phí: Việc sửa đổi quy định này không làm phát sinh chi phí mà tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, vừa minh bạch hóa trong công tác thẩm định, cấp phép, quản lý của cơ quan nhà nước.

- Lợi ích:

+ Tạo lợi thế cạnh tranh giữa Nhà nước và tư nhân trong việc đầu tư, bảo đảm chất lượng của hoạt động dự báo khí tượng thuỷ văn.

+ Bổ sung đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, sâu vào thực hiện hoạt động khí tượng thuỷ văn, tạo điều kiện để cán bộ, công chức và các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ.

+ Việc cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn sẽ sẽ tạo ra những đơn vị làm công tác dự báo phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau. Nếu đã có các công ty tư nhân phục vụ dự báo khí tượng thuỷ văn chắc chắn việc lựa chọn dịch vụ cung cấp dự báo sẽ tiện lợi hơn nhiều so với việc lập một hệ thống dự báo riêng. Các loại hình đơn vị rất đa dạng, phong phú, như: Đơn vị dự báo khí tượng thuỷ văn thuộc một công ty kinh doanh, công ty sẽ lo liệu và chăm sóc để bộ phận dự báo này tồn tại; đơn vị dự báo khí tượng thuỷ văn là một cơ quan nghiên cứu sẽ phụ thuộc vào nguồn kinh phí nghiên cứu. Trường hợp này chắc chắn không thể tồn tại lâu dài hoặc đơn vị dự báo khí tượng thuỷ văn tự lập để kinh doanh sẽ phụ thuộc vào thị trường.

 b) Tác động về xã hội:  

Khi sửa đổi quy định đối với điều kiện này:

- Sẽ mở rộng các ngành nghề kinh doanh, tạo điều kiện để ngành khí tượng thuỷ văn phục vụ công cộng và  phòng chống thiên tai ngày càng sâu rộng. Việc cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn sẽ từng bước giảm áp lực và chi phí cho Nhà nước trong việc đầu tư hiện đại hoá khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, bằng việc thu phí từ hoạt động xã hội hoá hoạt động khí tượng thuỷ văn cũng sẽ giúp cho Nhà nước có thêm khoản kinh phí để tái đầu tư, bù đắp cho các hoạt động khí tượng thuỷ văn hiện rất cần có sự đầu tư thoả đáng.

- Đa dạng hoá các sản phẩm liên quan tới khí tượng thuỷ văn phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, như: bản tin dự báo, số liệu, bản đồ thời tiết, ảnh vệ tinh, rađa….. Các sản phẩm này có thể đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau, trên thực tế cũng đã và đang được một số tư nhân khai thác sử dụng.

c) Tác động thủ tục hành chính của giải pháp 2:

Việc cấp giấy phép cảnh báo, dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn được quy định vì nó đảm bảo yêu cầu và nguyên tắc quy định của một thủ tục hành chính. Đồng thời, nó đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn.

Việc ban hành TTHC theo quy định tại dự thảo Nghị định này là phù hợp với các quy định của pháp luật, chính xác và thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC; không bị mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với các quy định tại các văn bản khác hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập, ký kết. Các nội dung liên quan đến việc thực hiện TTHC được quy định đầy đủ, rõ ràng, đảm bảo phù hợp với chủ trương đơn giản hóa TTHC của Chính phủ (hồ sơ, thủ tục đơn giản, không quy định thu phí, lệ phí, không quy định tổ chức phải nộp bản sao các thành phần hồ sơ, nguyên tắc lập hồ sơ đơn giản). 

Tin VPTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: