Đánh giá kết quả thực hiện cải cách thể chế chương trình tổng thể cách nhà nước giai đoạn 2011 - 2020

Đăng ngày: 28-04-2020 | Lượt xem: 769
Đánh giá kết quả thực hiện cải cách thể chế chương trình tổng thể cách nhà nước giai đoạn 2011 - 2020

1.1. Kết quả chủ yếu đã đạt được

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục KTTV được quy định tại Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg, Tổng cục KTTV được giao nhiệm vụ quản lý các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát KTTV; theo dõi các hoạt động KTTV thuộc các công trình bắt buộc phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV. Ngay sau khi thành lập, Tổng cục KTTV đã yêu cầu các tỉnh báo cáo về hiện trạng các trạm KTTV chuyên dùng và hoạt động quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV của các chủ công trình thuộc quyền quản lý (Công văn số 380/TCKTTV-VP ngày 08/4/2019). Đến nay, đã có 58/64 tỉnh, thành phố có các trạm KTTV chuyên dùng và các công trình bắt buộc phải quan trắc đã có báo cáo về Tổng cục (433 công trình và chủ công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin dữ liệu KTTV theo quy định). Bên cạnh đó, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân triển khai các quy định của Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản liên quan trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục.

- Trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập, nâng cấp, hạ cấp, di chuyển, giải thể một số trạm KTTV theo quy định.

- Tổng cục KTTV đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia xây dựng Luật Khí tượng thủy văn theo đúng nội dung, kế hoạch đã đề ra; đồng thời tập trung xây dựng các bộ định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành. Đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phát động cuộc thi tìm hiểu về Luật Khí tượng thủy văn tới toàn thể công chức, viên chức và người lao động, qua đó giúp mỗi người hiểu rõ về Luật Khí tượng thủy văn để triển khai thực hiện đúng và trở thành những tuyên truyền viên tích cực về Luật Khí tượng thủy văn đối với các tổ chức, cá nhân và nhân dân nơi đơn vị hoạt động.

Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản QPPL của Tổng cục KTTV trong những năm gần đây đã từng bước được hoàn thiện, thực hiện tốt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; các văn bản được ban hành trên tất cả các lĩnh vực đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, thực hiện tốt chủ trương CCHC của Đảng và Nhà nước ta.

1.1.1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị

- Tổng cục đã phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ xây dựng, trình Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Theo đó, Luật Khí tượng thủy văn đã được sửa đổi, bổ sung toàn bộ các nội dung liên quan đến quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia. Bên cạnh đó, Tổng cục đang tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ ngành liên quan hoàn thiện trình Chính phủ thông qua dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bảo đảm Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia (với tính chất là Quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia) đồng bộ, phù hợp theo pháp luật về quy hoạch.

- Ban hành một số quy định phục vụ công tác quản lý hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV như: Thông tư quy định kỹ thuật thu nhận, bảo quản, lưu trữ và khai thác tư liệu KTTV; Thông tư quy định kỹ thuật chuẩn bộ dữ liệu về quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường nước và không khí; Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mã luật khí tượng trên cao và ra đa thời tiết; Thông tư quy định kỹ thuật kiểm tra trạm khí tượng trên cao và ra đa thời tiết; Thông tư ban hành quy định kỹ thuật quốc gia về quan trắc ra đa thời tiết và ozon - bức xạ cực tím; Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo thủy văn; Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng; Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra khảo sát KTTV; Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dự báo KTTV; Thông tư Quy định kỹ thuật về quy trình công tác thông tin, dữ liệu KTTV; Thông tư Quy định kỹ thuật quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đối với trạm KTTV chuyên dùng; Thông tư ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật công tác thông tin, dữ liệu KTTV; Thông tư ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động của các trạm KTTV; Thông tư Quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng tài liệu khí tượng bề mặt; Thông tư Quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng tài liệu thủy văn; Thông tư Quy định kỹ thuật về điều tra khảo sát xâm nhập mặn; Thông tư Quy định kỹ thuật về quy trình dự báo KTTV trong điều kiện thời tiết bình thường; Thông tư Quy định kỹ thuật về quy trình dự báo KTTV trong điều kiện thời tiết nguy hiểm được ban hành theo đúng kế hoạch.

- Tham gia xây dựng 01 Đề án, 01 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 02 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (tại Quyết định số 3809/QĐ-BTNMT ngày 19/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Chương trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL năm 2019), cụ thể: Đề án trình Bộ Chính trị “Tăng cường công tác KTTV đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh của đất nước”; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn; sửa đổi Quyết định số 632/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước; sửa đổi Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; Thông tư Quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo hải văn; Thông tư Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo lũ. Đến nay, các đơn vị trực thuộc của Tổng cục được giao xây dựng văn bản cũng đã hoàn thành đúng tiến độ theo đúng kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, Tổng cục đã ban hành quyết định Quy định trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong mùa lũ và trong mùa cạn để tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ.

1.1.2. Công tác theo dõi thi hành pháp luật

Công tác theo dõi thi hành pháp luật được Tổng cục KTTV triển khai thực hiện từ năm 2018 nhằm theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Luật Khí tượng thủy văn, Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định số 38/2016/NĐ-CP; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai và Quyết định số 44/2014/QĐTTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai, các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thi hành Luật Khí tượng thủy văn và quy định kỹ thuật về lĩnh vực KTTV, trong hệ thống các đơn vị trực thuộc; đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai. Tổ chức đánh giá công tác triển khai thi hành Nghị định số 38/2016/NĐ-CP đối với các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV.

Tổng cục KTTV đã tổ chức rà soát, điều chỉnh Chương trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL hàng năm; ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL và văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước của Tổng cục KTTV giai đoạn 2018 - 2021; tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản QPPL về KTTV cho các địa phương tại khu vực Đông và Tây Nam Bộ.

1.1.3. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

- Tổng cục KTTV đã chỉ đạo các đơn vị rà soát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQCP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục triển khai thực hiện Quyết định số 2441/QĐ-BTNMT ngày 23/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Rà soát văn bản QPPL chồng chéo trong lĩnh vực KTTV; hệ thống hóa văn bản QPPL lĩnh vực KTTV giai đoạn 2019 - 2021.

- Theo Quyết định số 3116/QĐ-BTNMT ngày 05 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Chương trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL năm 2020 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục KTTV được giao xây dựng, hoàn thiện Dự thảo và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét ban hành 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 04 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể:

+ Sửa đổi Quyết định số 44/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.

+ Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng tài liệu hải văn, môi trường không khí và nước.

+ Thông tư quy định kỹ thuật phương pháp quan trắc hải văn.

+ Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đánh giá chất lượng tài liệu khí tượng bề mặt và đánh giá chất lượng tài liệu thủy văn.

+ Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới.

- Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định thành lập các Ban soạn thảo, Tổ biên tập đối với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Tổ soạn thảo đối với Thông tư. Các Tổ soạn thảo đang tiến hành phân khai nhiệm vụ cho từng thành viên và thống nhất khung Thông tư. Ngoài gia, trong những năm qua Tổng cục KTTV đã tích cực tham gia xây dựng, góp ý các văn bản QPPL do Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành khác chủ trì xây dựng, đặt biệt là tham gia góp ý dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

1.1.4. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

Công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền và rà soát văn bản QPPL được Tổng cục triển khai tiến hành thường xuyên, toàn diện, kịp thời, đúng trình tự theo quy định của pháp luật; có sự phối hợp chặt ch giữa cơ quan tham mưu ban hành văn bản và cơ quan được giao làm đầu mối thực hiện kiểm tra văn bản. Các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm nhiệm vụ được giao; đảm bảo sự phối hợp chặt ch của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản.

1.1.5. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những mặt trọng tâm của công tác CCHC, Tổng cục KTTV luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai các kế hoạch tuyên truyền CCHC đến tất cả các đơn vị trực thuộc. Điển hình là hoạt động phối hợp giữa Tổng cục với Truyền hình Nhân dân tổ chức tuyên truyền về công tác triển khai Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản pháp quy có liên quan; phối hợp với VTV2 tổ chức, thực hiện tuyên truyền về KTTV theo hình thức hướng dẫn khoa giáo, kết hợp với kỹ xảo, đồ họa (với 05 clip 3 đến 5 phút có phát sóng trên VTV2); phối hợp với phòng Biển đảo - Đài Tiếng nói Việt Nam tuyên truyền phổ biến kiến thức cho ngư dân trên kênh phát thanh của Đài. Biên soạn in ấn cuốn sách giới thiệu về các hiện tượng KTTV nguy hiểm; phát động hưởng ứng, tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng “Giải búa liềm vàng lần thứ IV năm 2019” và Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ II trong toàn Tổng cục. Phối hợp Bộ Tư lệnh Biên phòng Trung ương và địa phương tổ chức xây dựng, lắp đặt và bàn giao tủ sách kiến thức KTTV và tuyên truyền tăng cường kiến thức phòng chống thiên tai cộng đồng tại huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai; phối hợp Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực I thực hiện tuyên truyền cho hơn 750 ngư dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình về cách thức phòng, chống bão trên biển (phát bản đồ đường đi của bão); cung cấp thông tin cho các phóng viên, các cơ quan báo chí clip và các bản tin tổng hợp về các cơn bão, các đợt mưa lớn, đợt nắng nóng, các đợt lũ, lũ quét lũ; các bản tin tuần về dự báo nhận định thời tiết trên phạm vi cả nước.

- Tổ chức theo dõi thông tin báo chí và làm điểm tin báo chí hàng ngày về lĩnh vực KTTV nhằm thực hiện tốt công tác tham mưu về xử lý các thông tin báo chí và có biện pháp truyền thông kịp thời cho Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục và các đơn vị trực thuộc Tổng cục. Tổng cục đã phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành tốt công tác trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước về các vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực KTTV trước, trong và sau các Kỳ họp của Quốc hội.

1.1.6. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị

Việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành KTTV có nhiều thuận lợi do tổ chức bộ máy được thiết kế trực tiếp đến cấp cơ sở. Các Đài KTTV ở khu vực, tỉnh, trạm KTTV là các cơ quan, đơn vị giữ vai trò phối hợp, hỗ trợ đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với Tổng cục mà còn hỗ trợ, phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác kiểm tra thi hành pháp luật về KTTV theo kế hoạch được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, trong đó tập trung vào các đối tượng: UBND cấp tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Đài KTTV khu vực; Đài KTTV tỉnh; Hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, quy định kỹ thuật về công tác KTTV ở cả Trung ương và địa phương. Cụ thể như sau:

- Năm 2018, Tổng cục đã tổ chức các đoàn kiểm tra thi hành pháp luật khí tượng thủy văn (có thành phần tham gia là các đài, trạm tại địa phương) tại 07 tỉnh thành trong cả nước gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Định và Bình Thuận. Nội dung kiểm tra tập trung vào tình hình triển khai Luật Khí tượng Thủy văn của địa phương; hoạt động khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV; ban hành bản tin, truyền phát bản tin và việc phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan, ban ngành trong phòng, chống thiên tai tại địa phương; việc quản lý mạng lưới trạm quan trắc KTTV; triển khai thực hiện nhiệm vụ xác định, lập danh mục các loại công trình bắt buộc phải quan trắc và cung cấp thông tin dữ liệu KTTV; một số công tác cơ bản của địa phương triển khai hoạt động KTTV phục vụ địa phương, như: bố trí ngân sách, xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng, bố trí tổ chức bộ máy, biên chế và công tác đào tạo, tập huấn cán bộ tham mưu quản lý nhà nước về KTTV từ cấp tỉnh đến cấp xã…; và việc thực hiện các trách nhiệm của địa phương trong triển khai thi hành một số văn bản quy phạm pháp luật cụ thể liên quan tới hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV.

- Năm 2019, Tổng cục đã kiểm tra thi hành pháp Luật Khí tượng Thủy văn tại 09 tỉnh cụ thể là: Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắk, Đắk Nông. Nội dung, phương pháp kiểm tra đổi mới theo hướng gắn công tác thanh tra, kiểm tra với việc theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thi hành Luật Khí tượng Thủy văn và các văn bản quy định chi tiết Luật. Tập trung vào các nội dung thanh tra, kiểm tra các chủ công trình phải quan trắc KTTV, gồm Hồ chứa (thuỷ lợi và thuỷ điện), Vườn quốc gia...; Ủy ban nhân dân tỉnh/Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh về việc thi hành pháp luật KTTV; và kiểm tra các công trình vi phạm hành lang kỹ thuật của công trình KTTV tại các Đài, trạm KTTV.

- Theo kế hoạch trong năm 2020, Tổng cục KTTV s tiến hành kiểm tra thi hành pháp Luật Khí tượng Thủy văn tại 11 tỉnh (Yên Bái, Bắc Kạn, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Kiên Giang, Cà Mau, Tây Ninh) theo kế hoạch được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, trong đó tập trung vào các đối tượng: UBND cấp tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Đài KTTV khu vực; Đài KTTV tỉnh; Hồ chứa thủy điện, thủy lợi; Cảng biển; Vườn Quốc gia; Sân bay và Cáp treo.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KTTV, Tổng cục KTTV đã tích cực hướng dẫn, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các quy định của Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản liên quan; đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng quy chế phối hợp quản lý hoạt động KTTV trên địa bàn đến nay đã có hơn 20 tỉnh, thành phố ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về KTTV; đã tham mưu để Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV theo quy định tại Nghị định số 38/2016/NĐ-CP. Theo đó, tính đến nay đã có 44 tỉnh, thành phố, 02 Bộ lập danh mục 372 công trình phải có hoạt động KTTV quan trắc và cung cấp thông tin. Phối hợp, có ý kiến với một số Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định của Luật Khí tượng Thủy văn (Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh v.v…). Hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xử lý, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về KTTV (đối với một số tỉnh như: Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Đắk Nông, Kon Tum, Tây Ninh…; đối với một số doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định…). Công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực KTTV ở Trung ương và địa phương từng bước đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ của KTTV từng bước được cụ thể hóa, quy định minh bạch, khả thi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận, thực thi trên thực tế của các tổ chức, cá nhân. Hoạt động KTTV đã từng bước đi vào cuộc sống, được chính quyền địa phương các cấp, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng ghi nhận về vai trò và hiệu quả của lĩnh vực thông qua hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện việc phân cấp quản lý nhà nước về KTTV tại các địa phương còn nhiều hạn chế. Hiện tại các địa phương, việc thành lập tổ chức để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTV trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có khó khăn do không đủ nhân lực và không đủ khối lượng nhiệm vụ, nội hàm quản lý nhà nước về lĩnh vực trên thực tế để thành lập tổ chức theo quy định. Vì vậy, vai trò quản lý nhà nước lĩnh vực KTTV tại địa phương còn nhiều hạn chế. Các nội dung thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực KTTV tại địa phương theo phân cấp của Luật Khí tượng thủy văn như đã phân tích ở trên chỉ mang tính chất thẩm quyền chung, hoặc tổng hợp thông tin báo cáo định kỳ đột xuất, nhiệm vụ được giao quản lý thực tế không đủ năng lực thực hiện và không phù hợp với tính chất đặc thù chuyên môn như đối với công tác dự báo KTTV. Ở cấp huyện và cấp xã chưa đủ điều kiện công tác để được giao nhiệm vụ cụ thể về quản lý nhà nước lĩnh vực KTTV. Việc chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho Tổng cục KTTV ảnh hưởng đến vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực KTTV.

Văn phòng Tổng cục KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: