Đánh giá tác động của chính sách Chính sách 1: bổ sung 2 loại công trình tuyến đường cao tốc có chiều dài từ 30km trở lên, cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lênphải quan trắc khí tượng thủy văn

Đăng ngày: 18-11-2019 | Lượt xem: 1004
Đánh giá tác động của chính sách Chính sách 1: bổ sung 2 loại công trình tuyến đường cao tốc có chiều dài từ 30km trở lên, cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lênphải quan trắc khí tượng thủy văn

Xác định vấn đề bất cập: cần thiết phải bổ sung 2 loại công trình tuyến đường cao tốc có chiều dài từ 30km trở lên, cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên phải quan trắc khí tượng thủy văn

Hoạt động giao thông vận tải trên đường cao tốc và đường thủy nội địa chịu nhiều tác động của các điều kiện KTTV, đặc biệt là các yếu tố gió, mưa, tầm nhìn, điều kiện thủy văn, ảnh hưởng tới sự an toàn về tính mạng và tài sản của cộng đồng. Vì vậy đây là 2 công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của Khoản 3 Điều 13 Luật KTTV “Các công trình khi xây dựng, khai thác chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện khí tượng thủy văn mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng thì chủ công trình phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu theo quy định tại khoản 5 Điều này”. Trong khi đó, tại Điều 3. Công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn chưa quy định tuyến đường cao tốc có chiều dài từ 30km trở lên, cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên phải quan trắc khí tượng thủy văn.

Mục tiêu giải quyết vấn đề Có đủ cơ sở pháp lý để các công trình nêu trên tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV theo quy định của pháp luật về KTTV.

Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề

Giải pháp 1: Giữ nguyên hiện trạng (giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành), theo đó, Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn không quy định tuyến đường cao tốc có chiều dài từ 30km trở lên, cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên phải quan trắc khí tượng thủy văn.

Giải pháp 2: Bổ sung công trình tuyến đường cao tốc có chiều dài từ 30km trở lên, cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV. 

Đánh giá tác động của giải pháp

Việc đánh giá tác động của các giải pháp thực hiện chính sách này được thực hiện theo phương pháp định tính và khó có thể được thực hiện theo phương pháp định lượng do: (i) Hiện nay chưa có quy định về việc triển khai quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV của các công trình này; (ii) Theo quy định về pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhìn chung các công trình này đều đã và đang quan trắc một số yếu tố KTTV theo nhu cầu riêng. Tuy nhiên, việc quan trắc chưa đồng bộ và chưa cung cấp thông tin, dữ liệu do chưa có cơ sở pháp lý.

Giải pháp 1: Giữ nguyên hiện trạng

a) Tác động về kinh tế:

Không bảo đảm được các chủ trương tăng cường công tác bảo đảm sự an toàn của cộng đồng trước thiên tai KTTV, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước là cần có sự tham gia, vào cuộc, của toàn xã hội với các cấp độ khác nhau, trong đó vai trò, trách nhiệm cộng đồng của một số doanh nghiệp có tính chất “đặc biệt” nêu trên giữ vai trò hết sức quan trọng.

b) Tác động về xã hội:

Việc thực thi các quy định của Luật KTTV do Quốc hội – Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất không được bảo đảm, bao quát toàn diện, dẫn tới hiệu lực, hiệu quả của Luật không cao; tạo tâm lý tiêu cực của người dân đối với pháp luật.

Giải pháp 2: Bổ sung công trình tuyến đường cao tốc có chiều dài từ 30km trở lên, cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV. 

a) Tác động về kinh tế: Chi phí: Việc bổ sung quy định chính sách này sẽ làm phát sinh thêm công việc cho cơ quan quản lý nhà nước từ đó phát sinh các chi phí như: đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động, xây dựng cơ sở dữ liệu thu nhận thông tin.

Đối với doanh nghiệp: phát sinh chi phí lắp đặt các phương tiện đo các yếu tố KTTV (nếu chưa có) và chi phí quản lý, khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu. Hiện nay, theo thị trường, chi phí đầu tư cho 1 phương tiện đo quan trắc và cung cấp tự động các yếu tố KTTV ban đầu khoảng từ 20 - 90 triệu VNĐ/1 điểm quan trắc, chi phí quản lý, khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu từ dưới 500.000  - 1 triệu VNĐ/tháng/1 điểm quan trắc (bao gồm truyền, cung cấp thông tin qua 3G hoặc wifi, pin mặt trời hoặc điện lưới) với vòng đời sản phẩm phương tiện đo từ 5 - 10 năm, hoặc nếu thuê doanh nghiệp bên thứ ba (lắp đặt, khai thác, vận hành, quản lý) thì chi phí khoảng từ 3 – 7 triệu/tháng/1 điểm quan trắc. Đối với chi phí cho việc quan trắc theo phương pháp thủ công thì còn ít hơn nhiều so với chi phí đầu tư phương tiện đo quan trắc tự động.

Lợi ích: Việc bổ sung quy định quan trắc sẽ phát sinh chi phí như đã đề cập phần trên. So sánh với tổng chi phí đầu tư công trình ví dụ như theo Báo cáo số 4707 ngày 9/6/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các đại biểu Quốc hội, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 1.372 km dự kiến tiêu tốn tổng mức đầu tư 312.435 tỷ đồng, tương đương với 14 tỷ USD và suất đầu tư đường cao tốc theo dự án khoảng 10,12 triệu USD/km tương đương 233 tỷ VNĐ/1 km, như vậy nếu x 30 km (lắp đặt 1 điểm quan trắc) là 6900 tỷ VNĐ, theo đó chi phí tối đa để lắp đặt 1 điểm quan trắc trên tuyến đường cao tốc theo dự thảo Nghị định chiếm 0,0129 % của đầu tư 30 km tuyến đường cao tốc. 

Mặc dù có phát sinh chi phí là thực tế, tuy nhiên việc bổ sung quy định các công trình này sẽ làm tăng cường công tác bảo đảm sự an toàn của cộng đồng trước thiên tai KTTV, phù hợp với các quan điểm lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước như Khoản 1 Điều 4 Luật Giao thông đường bộ; Điều 98h Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa; khoản 2 Điều 7, Điều 19 Luật Phòng chống thiên tai; Luật Bảo vệ Môi trường…

Mặt khác, thông tin, dữ liệu KTTV về mực nước biển, sóng biển, mực nước sông, hồ chứa, hướng, tốc độ gió thu nhận được từ các công trình trong trường hợp thời tiết bình thường có giá trị bổ sung thêm thông tin, dữ liệu cho công tác dự báo cảnh báo KTTV. Trường hợp có thiên tai hoặc do xả lũ, vỡ đập, ảnh hưởng đến khu vực có công trình hoặc nước biển dâng do bão, động đất, sóng thần…thì những thông tin, dữ liệu trên là vô giá đối với Hệ thống cơ quan làm công tác dự báo phục vụ cộng đồng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Trong điều kiện mật độ trạm KTTV Quốc gia của Việt Nam hiện tại, trung bình chỉ đạt 30 % so với chỉ tiêu cụ thể của WMO thì thông tin bổ sung từ các công trình này có ý nghĩa cộng đồng hết sức to lớn.

b) Tác động về xã hội:Tăng tính trách nhiệm xã hội, cộng đồng của doanh nghiệp sẽ giúp các người dân ghi nhận tích cực, thiện cảm về doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công trình của các doanh nghiệp sẽ được xã hội, người dân đón nhận, sử dụng ngày càng nhiều hơn, góp phần tăng giá trị hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.

Tin VPTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: