Bên cạnh đó, xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước lĩnh vực GTVT, Bộ Giao thông vận tải hoàn toàn có đủ thẩm quyền xây dựng Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng đối với các lĩnh vực thuộc quyền quản lý. Trong Kế hoạch này có thể phân tách các trường hợp giữa trạm KTTV chuyên dùng thông thường với hoạt động quan trắc KTTV của các chủ công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2016/NĐ-CP để bảo đảm tránh chồng chéo, trùng lắp gây lãng phí nguồn lực.
Về ý kiến của Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính:
Tiếp thu ý kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin được giải trình, như sau:
Ngày 23/8/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 4161/BTNMT-TCKTTV đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, trước thời điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được Công văn góp ý số 10681/BTC-HCSN ngày 12/9/2019 của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên sau đó, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách. Trong báo cáo đánh giá tác động đã phân tích các giải pháp, chi phí phát sinh, lợi ích của các giải pháp… Cụ thể là khi thực hiện quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV sẽ có phát sinh chi phí, tuy nhiên hoàn toàn không đáng kể so với tỷ suất đầu tư một công trình; hoặc các chủ công trình tuyến đường cao tốc, công trình cầu phải quan trắc, cung cấp các thông tin, dữ liệu KTTV sẽ có phát sinh nhưng không đáng kể về chi phí, vì phần lớn chỉ dựa trên các hoạt động quan trắc, truyền tin sẵn có của doanh nghiệp… Khi chính sách được thực hiện sẽ mang lại lợi ích cho nhiều phía, đặc biệt là khi có thiên tai KTTV xảy ra sẽ không thể đo đếm được giá trị, hiệu quả mang lại.
Về giải trình bổ sung chính sách quy định tại khoản 1 Điều 8 của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung “Kinh phí xây dựng, phê duyệt, thực hiện phương án cắm mốc giới, công khai mốc giới hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn do cơ quan quản lý công trình lập dự toán hằng năm và được phân bổ từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật”: Đây là giải pháp bảo đảm điều kiện nguồn lực để thi hành quy định Điều 16 của Luật Khí tượng Thủy văn năm 2015. Những năm qua có tình trạng xảy ra nhiều vi phạm hành lang kỹ thuật công trình KTTV quốc gia, một trong những nguyên nhân chính là chưa xác định rõ ràng mốc giới, công khai mốc giới hành lang kỹ thuật công trình quốc gia. Theo quy định của Luật Khí tượng Thủy văn, Luật Đất đai, trách nhiệm xây dựng hồ sơ, chỉ giới đất, phạm vi hành lang kỹ thuật công trình KTTV quốc gia trước hết thuộc về Cơ quan quản lý công trình, ở đây là Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Tuy nhiên do nhiều lý do khách quan và chủ quan, công tác này chưa được thực hiện đầy đủ, trong đó có khó khăn xuất phát từ việc thiếu kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường xin đề nghị bổ sung quy định nêu trên để bảo đảm tính khả thi trong quá trình bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình thuộc mạng lưới trạm KTTV quốc gia theo quy định của Luật Khí tượng Thủy văn và Luật Đất đai.
Trên đây là báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng Thủy văn.
Tin VPTC