1. Công tác chỉ đạo, điều hành
Tổng cục KTTV (trước đây là Trung tâm KTTV quốc gia) đã bám sát nội dung các Chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của Bộ nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác CCHC trên tất cả các lĩnh vực và đã được các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Trong giai đoạn 2011 - 2020, Tổng cục KTTV đã ban hành nhiều văn bản quan trọng góp phần đẩy mạnh thực hiện CCHC giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ và Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 kèm theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Chính phủ nhằm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong toàn ngành, cụ thể như: Kế hoạch thông tin, tuyên truyền; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; Kế hoạch triển khai nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước của Tổng cục KTTV.
Đặc biệt, từ khi thành lập Tổng cục KTTV trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục KTTV đã triển khai nhiệm vụ xây dựng và ban hành văn bản QPPL hàng năm, đồng thời ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL và văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước của Tổng cục KTTV giai đoạn 2018 - 2021. Tổng cục KTTV luôn xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị, do đó đã tập trung chỉ đạo triển khai, đôn đốc các đơn vị trực thuộc Tổng cục trong việc thực hiện chương trình công tác và Kế hoạch CCHC hàng năm bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và hiệu quả, đồng thời gắn kết quả thực hiện CCHC với công tác đánh giá cán bộ đối với người đứng đầu đơn vị, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị với công tác này; tiếp tục hoàn thiện thể chế tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách về KTTV; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc. Việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện công tác CCHC được thực hiện dưới nhiều hình thức, như: thông qua các văn bản chỉ đạo; các cuộc họp giao ban, sơ kết, tổng kết hàng năm của Tổng cục và các đơn vị; các đợt phát động thi đua, tuyên truyền,… nhằm thực hiện kịp thời và hiệu quả.
Công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện CCHC đã được các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện, từ việc ban hành kế hoạch hàng năm đến tiến hành kiểm tra và tự kiểm tra của các đơn vị cho thấy trong giai đoạn 2011 - 2020, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đã quan tâm hơn, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC của đơn vị quyết liệt hơn. Thông qua báo cáo tự kiểm tra của các đơn vị đã đánh giá được ưu điểm, hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP, kịp thời ghi nhận những kiến nghị, đề xuất, Tổng cục đã có những điều chỉnh trong quá trình thực hiện CCHC.
2. Thông tin, tuyên truyền
Công tác thông tin, tuyên truyền CCHC đã được Tổng cục tích cực hưởng ứng triển khai thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức về vai trò, tầm quan trọng của CCHC đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của ngành KTTV. Hàng năm, căn cứ Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác CCHC của Bộ, Tổng cục ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác CCHC của Tổng cục. Bên cạnh đó, Tổng cục đã đăng tải thông tin CCHC, văn bản chỉ đạo, điều hành trên website của Tổng cục; thực hiện lấy ý kiến dự thảo văn bản QPPL trên Cổng thông tin điện tử của Bộ theo quy định đã giúp công chức, viên chức nhận thức được mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước để cùng tham gia thực hiện, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay để phát huy hiệu quả của công tác CCHC.
3. Đánh giá chung về công tác triển khai
a) Mặt tích cực đạt được
Trong những năm qua, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của Tổng cục luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm; Lãnh đạo Tổng cục luôn quan tâm, sát sao đến các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị; có sự phân công, tổ chức thực hiện cụ thể. Đảng ủy Tổng cục, Công đoàn Tổng cục và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Tổng cục đã có kế hoạch phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đoàn thể trực thuộc tham gia tổ chức thực hiện kế hoạch CCHC năm của Tổng cục; cấp ủy đảng, tổ chức đoàn thể các đơn vị trực thuộc Tổng cục tham gia cùng lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt công tác CCHC. Ngoài ra, hàng năm Tổng cục đều ban hành Kế hoạch công tác CCHC, Kế hoạch tuyên truyền, Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC,… Hệ thống các văn bản quản lý này vừa xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện CCHC của các đơn vị vừa là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các đơn vị hàng năm.
Công tác quản lý công chức, viên chức tiếp tục được tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động được quan tâm thực hiện; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên đôn đốc các đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
b) Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
- Thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc Tổng cục chưa thật sự nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành đối với công tác CCHC của đơn vị được giao quản lý, chưa xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền CCHC chưa được thường xuyên.
- Do địa bàn quản lý rộng trên toàn quốc, số nhân lực và đơn vị trực thuộc lại khá lớn nên công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC của Tổng cục với một số đơn vị trực thuộc vẫn còn hạn chế.
- Đội ngũ công chức làm công tác CCHC theo hình thức kiêm nhiệm, tính chuyên nghiệp chưa cao nên khó khăn trong việc tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp đẩy mạnh CCHC.
Văn phòng Tổng cục KTTV