Ngay cả nhà chức trách tại những nơi thiên tai hoành hành cũng không lường được hậu quả lại nghiêm trọng đến vậy. Cảnh báo lũ lụt đã được đưa ra trước đó mấy ngày nhưng sự chủ quan phần nào dẫn đến tổn thất nghiêm trọng. Giờ đây, khi lũ đã rút đi, nhiều nơi chỉ còn lại những đống đổ nát và bùn lầy. Chính phủ đã huy động gần 1.000 binh sĩ đến giải cứu và dọn dẹp. Việc tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát vẫn được ưu tiên hàng đầu. Ở những nơi có hiện tượng đất lún cũng phải di dời dân ngay lập tức. Họ chỉ được phép trở về nhà khi đã an toàn.
Đối với những người còn sống sót sau lũ, điều quan trọng vẫn là dọn dẹp bùn đất, đống vỡ vụn, đổ nát tại nơi sinh sống. Ở nhiều nơi, cơ sở hạ tầng, cầu cống, đường sắt, trạm điện thoại di động, nguồn cung cấp nước uống bị phá hủy. Nhiều người cũng không biết người thân mình ở đâu vì mạng điện thoại trục trặc. Những người mất nhà cửa được đưa đến nơi chờ cứu trợ. Người dân trên khắp nước Đức đã nhanh chóng gửi nhiều đồ dùng, lương thực, quần áo đến giúp đỡ họ. Tuy nhiên, cảnh sát và hội chữ thập đỏ khuyến cáo nên hỗ trợ bằng hình thức chuyển tiền đến các số tài khoản nhận trợ giúp vùng lũ lụt. Cần thiết nhất bây giờ là nhân viên y tế, tình nguyện viên hỗ trợ chuyện ăn uống và cứu hộ, người vận hành cần cẩu và máy xúc đào, tài xế xe tải và xe nâng, thợ điện, thợ hàn... Ai giúp được có thể liên hệ các địa phương bị ảnh hưởng để tham gia.
Một khu vực bị mưa lũ tàn phá ở thị trấn Bad Muenstereifel, bang North Rhine-Westphalia của Đức hôm 19-7. Ảnh: REUTERS
Mức độ thiệt hại sẽ dần rõ ràng hơn trong mấy ngày tới. Thủ tướng Angela Merkel cuối tuần rồi đến thăm các khu vực bị tàn phá, khảo sát thiệt hại, động viên người dân và lực lượng cứu hộ, cũng như hứa sẽ nhanh chóng huy động hỗ trợ để tái thiết. Theo truyền thông Đức ngày 21-7, chính phủ liên bang đã quyết định giúp đỡ ngay lập tức 400 triệu euro. Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz sau đó nói rõ rằng chính phủ liên bang sẽ cung cấp nhiều tiền hơn nếu cần thiết và việc tái thiết phải bắt đầu ngay lập tức, không do dự, tránh rườm rà rắc rối. "Nếu một cây cầu, một ngôi nhà, một ngôi trường phải xây dựng lại, không cần phải làm thủ tục phê duyệt quy hoạch mới" - ông Scholz khẳng định.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Hort Seehofer nhấn mạnh thêm: "Mọi người trả thuế để được giúp đỡ trong những tình huống này". Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi mưa lũ có thể nhận khoản hỗ trợ ngắn hạn khoảng 10.000 euro.
Theo Báo Nguoilaodong