Mỗi số liệu quan trắc, mỗi thông tin cảnh báo thiên tai đang từng bước góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước

Đăng ngày: 23-03-2019 | Lượt xem: 4546
(TN&MT) - Sáng 23/3, tại đồi Khí tượng Phù Liễn (Hải Phòng), nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử phát triển của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng ngày Khí tượng thế giới năm 2019. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì và phát động hưởng ứng.
Ttr Thành

Thứ trưởng Lê Công Thành phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới 2019

Tham dự buổi lễ có: Phó Chủ tịch thường trực TW Hội nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; ông Nguyễn Công Thành - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT; ông Nguyễn Đình Chuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Kari Kahilouto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam; Giáo sư Dale Barker - Giám đốc Chương trình Khoa học Thời tiết Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh; Đại diện một số tổ chức Quốc tế… cùng đại diện các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Các ĐB
Các đại biểu tham dự buổi Lễ
Khách Qt
Các vị khách Quốc tế tham dự Lễ phát động

Phát biểu tại Lễ phát động, thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ sự trân trọng với sự hiện diện của các đồng chí đại diện các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương; các vị khách quý đại diện cho các tổ chức quốc tế; Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng; các vị khách Quốc tế và toàn thể quý vị đại biểu tới dự buổi Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019.

Ôn lại những cột mốc đáng nhớ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: từ năm 1950, ngày 23 tháng 3 hàng năm đã được Tổ chức khí tượng thế giới công nhận là ngày Khí tượng thế giới, sự kiện này nhằm mục đích kêu gọi và ghi nhận những đóng góp quan trọng của Cơ quan khí tượng thủy văn các quốc gia thành viên trong công cuộc phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn cho nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây cũng là sự kiện có nhiều ý nghĩa trong việc kêu gọi và kết nối từng cá nhân, cộng đồng, quốc gia trong việc tham gia công tác phòng tránh thiên tai.

PTC HP
Ông Nguyễn Đình Chuyến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phát biểu hưởng ứng

Chủ đề của Ngày khí tượng thế giới năm 2019 là “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết”, phản ánh tôn chỉ hoạt động của Tổ chức Khí tượng thế giới và vai trò không thể thay thế của các Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia trong việc giám sát hệ mặt trời, đưa ra những dự báo thời tiết hàng ngày, cũng như cung cấp các thông tin thời tiết, khí hậu và biến đổi khí hậu quan trọng cho chính quyền các cấp, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng.

“Thông qua sự kiện này, hòa chung với ý tưởng kết nối từng cá nhân, cộng đồng, xã hội tham gia công tác phòng chống thiên tai của Tổ chức Khí tượng thế giới, tôi kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm và cố gắng trong từng công việc mình đang thực hiện. Mỗi số liệu quan trắc, mỗi thông tin cảnh báo thiên tai của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đang từng bước góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành khí tượng thủy văn trong công tác dự báo, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra” - Thứ trưởng Lê Công Thành nói.

A Thái
PGS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV trình bày Thông điệp Ngày khí tượng Thế giới năm 2019

Bày tỏ vinh dự được đến dự Lễ phát động, ông Kari Kahilouto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho biết: Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày nay, điều kiện thời tiết thay đổi liên tục thậm chí thay đổi hàng giờ. Tác động của việc thay đổi thời tiết ngày càng trở nên nghiêm trọng đặc biệt với các quốc gia dễ tổn thương như Việt Nam.

Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahilouto đánh giá cao chất lượng của công tác dự báo thời tiết mà các chuyên gia Việt Nam cũng như các đồng nghiệp trên toàn Thế giới đã và đang góp phần đáng kể trong việc giảm nhẹ thiệt hại do điều kiện thời tiết bất lợi gây ra.

Tự hào với dịch vụ và công tác dự báo thời tiết mà Phần Lan được công nhận là một trong những nơi có dịch vụ thời tiết hàng đàu Thế giới, Đại sứ Kari Kahilouto khẳng định đất nước cũng như các chuyên gia thời tiết Phần Lan đã và sẽ luôn sẵn sàng phối hợp vì sự phát triển của ngành KTTV Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ… để góp phần giúp ngành KTTV Việt Nam phát triển. “Sự hợp tác ấy sẽ liên tục phát triển trong tương lai” - Đại sứ Kari Kahilouto nói.

Đại sứ Kari Kahilouto
Đại sứ Kari Kahilouto phát biểu tại buổi Lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Dale Barker - Giám đốc Chương trình Khoa học Thời tiết Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh cũng bày tỏ tinh thần hưởng ứng các chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm 2019. Giáo sư Dale Barker cũng đánh giá cao sự hợp tác của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh với Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam.

Giáo sư Dale Barker cho biết: Cơ quan Khí tượng Anh có hơn 200 nhà khoa học và kỹ sư phần mềm, cùng nghiên cứu, phát triển và triển khai các phát minh phục vụ ngành thời tiết, hải dương học, nghiên cứu chất lượng không khí và mô hình khí quyển trên toàn cầu và tại địa phương. Mục tiêu của Cơ quan Khí tượng Anh là nỗ lực đi đầu trong nghiên cứu khoa học thời tiết và khí hậu để bảo vệ con người, sinh kế và an sinh xã hội. Là một trong những tổ chức khí tượng lớn nhất,  chúng tôi có  hơn 1.700 nhân viên hoạt động tại 60 văn phòng trên khắp thế giới.

Cơ quan Khí tượng Anh là đơn vị dự báo thời tiết và khí hậu đầu tiên được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công nhận là Trung tâm Cung cấp Toàn cầu, có vai trò cung cấp các dự báo chính xác cho WMO để chuyển tiếp đến các quốc gia khác trên toàn thế giới. Cơ quan Khí tượng Anh mong muốn đóng góp nhiều hơn ở cấp độ toàn cầu cũng như tại từng quốc gia, bằng cách hợp tác với nhiều tổ chức trên thế giới thông qua các hoạt động chia sẻ kiến thức và các dự án nghiên cứu chung phát triển sản phẩm và dịch vụ.

Dẫn đầu đoàn công tác của Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh tại Việt Nam lần này với tư cách là người điều hành dự án Hợp tác Nghiên cứu Thời tiết và Khí hậu phục vụ Dịch vụ dự báo, gọi tắt là WCSSP tại Đông Nam Á, Giáo sư Dale Barker cho biết ông và các đồng nghiệp đã được gặp và thảo luận với các đại diện của Bộ Khoa học Công nghệ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn và Viện Nghiên cứu Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tại Hà Nội về quan hệ hợp tác Việt-Anh thông qua dự án WCSSP Đông Nam Á.

“Mục đích của dự án là nâng cao khả năng dự báo thời tiết tại khu vực và toàn cầu, đồng thời tăng cường hiểu biết về các sự kiện thời tiết có tác động lớn. Hiện tại, dự án đã có sự tham gia của Indonesia, Malaysia, Philippines và hi vọng Việt Nam sẽ sớm tham dự. Tôi rất ấn tượng với năng lực, sự nhiệt tình, nguồn lực và những gì Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã và đang làm. Tôi rất vui mừng và mong chờ được làm việc với các nhà khí tượng Việt Nam trong dự án nghiên cứu chung tại khu vực” - Giáo sư Dale Barker nói.

Giáo sư Dale Barker
Giáo sư Dale Barker phát biểu tại buổi Lễ

Tại buổi Lễ, PGS.TS Trần Hồng Thái đã trình bày toàn văn thông điệp về Ngày Khí tượng Thế giới năm 2019 của Ngài Petteri Taalas - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới. Theo đó, Ngày Khí tượng Thế giới năm 2019 xin được dành cho chủ đề “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết”.

Mặt trời cung cấp năng lượng cho toàn bộ sự sống trên Trái đất. Mặt trời điều khiển các chu trình thủy văn, các dòng hải lưu và Thời tiết. Mặt trời định hình cảm xúc và hoạt động của chúng ta mỗi ngày. Và cũng chính Mặt trời là nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc, nhiếp ảnh và nghệ thuật.

Cách Trái đất gần 150 triệu km, Mặt trời là trái tim của hệ mặt trời, giữ cho hành tinh của chúng ta ấm áp để các sinh vật có thể phát triển mạnh mẽ. Hơn 4,5 tỷ năm qua, quả cầu plasma rực rỡ này là nguồn năng lượng vô tận dành cho vòng quay của sự sống, khí hậu và thời tiết trên Trái đất.

Các dữ liệu vệ tinh trong hơn 30 năm qua cho thấy năng lượng Mặt trời cung cấp cho Trái đất không hề gia tăng trong thời gian gần đây, và vì thế, sự nóng lên của Trái đất không thể là do hoạt động của Mặt trời.

Khí nhà kính được coi là nguyên nhân làm cho đại dương ấm lên và gây ra hiện tượng băng tan ở các cực. Từ năm 1990, các khí nhà kính này đã làm gia tăng 41% tổng bức xạ - nhân tố gây ra quá trình nóng lên toàn cầu, ảnh hưởng đến khí hậu trên toàn Trái đất. Trong đó, khí các-bon-nic chính là nguyên nhân của khoảng 82% lượng bức xạ gia tăng trong thập kỷ vừa qua. Năm 2017, khí các-bon-nic đã đạt mức 405,5 phần triệu và đang tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Nếu nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng với xu hướng hiện tại, thì nhiệt độ Trái đất có thể tăng từ 3°C đến 5°C vào cuối thế kỷ này. Điều này vượt xa mục tiêu của Thỏa thuận Paris của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cố gắng giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới mức 2°C, hay hơn nữa, càng gần đến mức 1,5°C thì càng tốt.

Shapo
Toàn cảnh buổi Lễ sáng 23/3 tại Hải Phòng

Biến đổi khí hậu đã tạo ra những đợt nắng nóng và nhiệt độ cao kỷ lục ở phạm vi địa phương cũng như ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Các hiện tượng sóng nhiệt bắt đầu sớm hơn, kết thúc muộn hơn, xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Các mô hình khí hậu dự đoán nhiệt độ trung bình sẽ tăng trên hầu hết các châu lục và đại dương; nắng nóng cực đoan xảy ra thường xuyên hơn tại những nơi con người sinh sống; các hiện tượng cực đoan khác như mưa lớn và hạn hán xuất hiện với tần suất nhiều hơn ở một số khu vực trên thế giới. Sự nóng lên toàn cầu kéo theo rủi ro ngày càng gia tăng liên quan đến khí hậu đối với sức khỏe, sinh kế, an ninh lương thực, cấp nước, an ninh con người và tăng trưởng kinh tế.

Ngay cả trong điều kiện Thời tiết nhiều mây, Mặt trời cũng có thể cung cấp một nguồn năng lượng thay thế các nguồn năng lượng khác. Năng lượng Mặt trời đang được sử dụng ngày càng phổ biến trên toàn thế giới để sản xuất điện năng, sưởi ấm hoặc lọc nước biển thành nước ngọt.

Bởi vậy, hiểu được cách thức Mặt trời ảnh hưởng đến Thời tiết và khí hậu như thế nào là nhiệm vụ cốt lõi của Tổ chức Khí tượng thế giới trong sứ mệnh xây dựng các cộng đồng có sức chống chịu với khí hậu.

Bằng cách tiếp cận tổng hợp toàn bộ hệ thống tự nhiên xung quanh Trái đất, cộng đồng Tổ chức Khí tượng thế giới sẽ tạo ra các sản phẩm khoa học và dịch vụ tốt nhất có thể để hỗ trợ các quốc gia về Thời tiết, khí hậu, thủy văn, đại dương và môi trường.

Trong khuôn khổ Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới, sáng 23/3/2019 tại Trạm Khí tượng Phù Liễn, Phường Trần Thành Ngọ,  quận Kiến An, thành phố Hải Phòng sẽ diễn ra tại Tọa đàm: “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết - Hành động của chúng ta”. Cũng tại đây sẽ diễn ra Lễ gắn biển Công trình Trạm Khí tượng trên 100 năm lịch sử tại Trạm Khí tượng Phù Liễn. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Nguồn: Báo TN&MT

 
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: