MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN SỐ THÁNG 12 NĂM 2022

Đăng ngày: 30-12-2022 File đính kèm
Số 744 tháng 12 năm 2022

TT

Tên bài và tác giả

Số Trang

1

Nghiên cứu, đề xuất các mô hình sinh kế nông nghiệp thích ứng với xâm nhập mặn tại tỉnh Vĩnh Long

Lê Ngọc Tuấn1*, Quách Thái Dương2, Phan Thành Dân3, Nguyễn Thị Ngọc Ẩn4, Lê Quang Toại5

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Tp.HCM; lntuan@hcmus.edu.vn

Phân viện Khoa học Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu; quachthaiduong86@gmail.com

Trường Đại học Xây dựng miền Trung; phanthanhdan@muce.edu.vn

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng; ntnan9999@gmail.com.

Viện Khí tượng Thuỷ văn Hải văn và Môi trường; lqtoaihd@gmail.com

*Tác giả liên hệ: lntuan@hcmus.edu.vn; Tel.: +84–98371379

Tóm tắt: Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá, lựa chọn các mô hình sinh kế nông nghiệp (SKNN) thích ứng với xâm nhập mặn (XNM) trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), đề xuất áp dụng tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021–2030. Trên cơ sở phân tích đặc điểm của các mô hình SKNN hiện hữu tại địa phương, xem xét 25 mô hình SKNN thích ứng với XNM áp dụng có hiệu quả tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), căn cứ bộ tiêu chí 21 (ánh giá tính khả thi (gồm 7 nhóm tiêu chí và 45 chỉ thị thành phần), 15 mô hình SXNN thích ứng XNM thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) và sản xuất kết hợp được xây dựng phù hợp với tình hình canh tác tại tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, 05 mô hình được triển khai thí điểm tại 20 hộ (trồng lúa, bắp nếp, dưa hấu, nuôi bò sinh sản và cá rô phi vằn) cho hiệu quả kinh tế cao cũng như tiềm năng nhân rộng tại các khu vực có điều kiện tương tự. Để tăng cường hiệu quả ứng dụng, 03 hội nghị tập huấn tại huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và 01 chuyến tham quan, học tập thực tế tại tỉnh Bến Tre đã được tổ chức kèm theo Sổ tay khuyến nông và Tài liệu kỹ thuật.

Từ khoá: Xâm nhập mặn; Sinh kế thích ứng; Mô hình sinh kế nông nghiệp; Biến đổi khí hậu.

1

2

Kiểm toán chất thải chăn nuôi heo trang trại ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Nguyễn Đức Bá1, Nguyễn Tri Quang Hưng2, Bùi Thị Cẩm Nhi2, Nguyễn Kim Huệ2, Võ Minh Sang3, Lê Thị Lan Thảo2, Đoàn Quang Trí4, Nguyễn Minh Kỳ2,5*

1 Chi Cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước; nguyenducba.stnmtbp@gmail.com

2 Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh; quanghungmt@hcmuaf.edu.vn

3 Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Môi trường Việt Đô; sang.vm@vietdojsc.com

4 Tạp chí Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn; doanquangtrikttv@gmail.com

5 Bộ môn Môi trường và Tài nguyên, Phân hiệu Gia Lai, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh; nmky@hcmuaf.edu.vn

*Tác giả liên hệ: nmky@hcmuaf.edu.vn; Tel.: +84–916121204

Tóm tắt: Nghiên cứu ứng dụng công cụ kiểm toán chất thải (KTCT) nhằm định lượng chất thải phát sinh của từng loại heo con, heo thịt và heo nái ở các trang trại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Kết quả cho thấy: (1) mỗi heo thịt tiêu thụ mỗi ngày 2,32 kg cám, 3,24 lít nước uống, 26,33 lít nước rửa chuồng, thải 1,71 kg phân, 2,66 lít nước tiểu và 26,32 lít nước thải rửa chuồng; (2) heo con tiêu thụ 0,79 kg cám, 1,47 lít nước uống và 11,49 lít nước rửa chuồng, thải ra 0,22 kg phân, 0,72 lít nước tiểu và 11,49 lít nước thải rửa chuồng; (3) heo nái tiêu thụ 3,41 kg cám, 3,40 lít nước uống và 23,45 lít nước rửa chuồng, thải 2,13 kg phân, 2,61 lít nước tiểu và 23,45 lít nước thải rửa chuồng. Chất lượng nước thải ở 3 quy mô trang trại lần lượt dao động 812–2012 mg/l (TSS), 1123–1890 mg/l (BOD5), 2576–3025 mg/l (COD), 112–389 mg/l (TN), và 35,2–43,8 mg/l (TP). Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật nước thải chăn nuôi QCVN 62–MT:2016/BTNMT cho thấy các chỉ tiêu trên đều vượt ngưỡng cho phép. Lượng chất thải chăn nuôi mỗi lứa ước tính 100 ngàn tấn phân và 1,6 triệu m3 nước thải. Nghiên cứu cung cấp bức tranh hiện trạng phát sinh, KTCT chăn nuôi heo và đề xuất giải pháp phòng ngừa ô nhiễm theo hướng chủ động.

Từ khoá: Chăn nuôi heo; Ô nhiễm; Kiểm toán chất thải; Chất thải chăn nuôi; Bình Phước.

17

3

Ứng dụng chỉ số WQI để đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt sông Bảo Định đoạn chảy qua thành phố Tân An

Nguyễn Ngọc Trinh1*, Nguyễn Hoàng Đức Thịnh1, Nguyễn Thị Quỳnh Thu1, Phạm Thị Diễm Phương1, Lê Thị Kim Thoa1, Cấn Thu Văn1

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM; trinhnn@hcmunre.edu.vn; ntqthu@hcmunre.edu.vn; ptdphuong@hcmunre.edu.vn; ctcan@hcmunre.edu.vn; ltkthoa@hcmunre.edu.vn

*Tác giả liên hệ: trinhnn@hcmunre.edu.vn; Tel.: +84–908876886

Tóm tắt: Sông Bảo Định hiện đang tiếp nhận một lượng lớn các chất ô nhiễm do các hoạt động dân sinh và phát triển kinh tế trong khu vực. Chất lượng nước đang có xu hướng ngày càng xấu đi trong những tháng mùa khô do nước tù đọng từ việc vận hành cống ngăn mặn từ sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Nghiên cứu này tập trung đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt sông Bảo Định đoạn chảy qua thành phố Tân An từ việc ứng dụng chỉ số chất lượng nước (WQI) trong giai đoạn 2019–2021. Chỉ số WQI trong nghiên cứu này được tính toán theo công thức với ba nhóm thông số: Nhóm I: pH; nhóm IV: DO, BOD5, COD, N–NO2, N–NO3, NH4+, P–PO43– và nhóm V: Coliform và thể hiện theo thang màu của Quyết định số 1460/QĐ–TCMT ngày 12 tháng 11 năm 2019. Kết quả cho thấy chất lượng nước mặt ở các vị trí quan trắc các khu dân cư thường ô nhiễm hơn so với các khu vực khác do tại các vị trí này thường có hàm lượng BOD5, COD và Coliforms cao. Chất lượng nước mặt vào mùa mưa thường có xu hướng xấu hơn nước mặt vào mùa khô.

Từ khoá: Thành phố Tân An; Chất lượng nước; Chỉ số WQI; Sông Bảo Định.

28

4

Nghiên cứu tính toán chỉ số an ninh nguồn nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam

Trương Hồng Tiến1*, Nguyễn Đình Đạt1, Phạm Tường1, Vũ Minh Thiện1, Nguyễn Huy Phương1, Nguyễn Trung Quân1

1 Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, 23 Hàng Tre, Hà Nội; thtien652004@gmail.com; dinhdat143@gmail.com; phamtuong307@gmail.com; vumthien@gmail.com; huyphuongmk@gmail.com; quantnn@gmail.com

*Tác giả liên hệ: thtien652004@gmail.com; Tel.: +84–981257395

Tóm tắt:  Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí rất quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nhưng tài nguyên nước của vùng hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước trong lưu vực. Hiện có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể nào về an ninh nguồn nước được triển khai thực hiện. Mục tiêu của Nghiên cứu này là xây dựng và tính toán chỉ số an ninh nguồn nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy an ninh nguồn nước của đồng bằng sông Cửu Long không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố nội tại liên quan đến công tác quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ở đồng bằng, mà còn phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố bên ngoài (tác động của các hoạt động phát triển ở thượng nguồn và sự hợp tác của hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực…). Bộ chỉ số được đề xuất sẽ giúp các nhà quản lý đánh giá tình hình an ninh nguồn nước, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ khoá: An ninh nguồn nước; Đồng bằng sông Cửu Long; Hạn hán; Lũ lụt; Xâm nhập mặn.

39

5

Một số đặc điểm hạn thủy văn ở khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn 1980–2015

Đỗ Thanh Hằng1, Vũ Thanh Hằng2*

1 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; dothanhhang234@gmail.com

2 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; hangvt@vnu.edu.vn

*Tác giả liên hệ: hangvt@vnu.edu.vn; Tel.: +84–903252170

Tóm tắt: Chỉ số dòng chảy chuẩn hóa SSI được sử dụng để phân tích một số đặc điểm hạn thủy văn tại 8 trạm ở khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn 1980 đến 2015. Kết quả phân tích cho thấy hạn thủy văn trên khu vực này diễn ra thường xuyên không chỉ trong mùa khô mà còn xuất hiện ngay cả trong mùa mưa với đa phần là các đợt hạn nhẹ. Tần suất hạn nặng chủ yếu xảy ra vào thời kỳ cuối mùa đông, đầu mùa xuân, thậm chí theo tính toán cho thấy hạn nặng cũng xuất hiện vào tháng 10. Trạm thủy văn Đức Xuyên được đánh giá là có tần suất hạn cao nhất với nhiều đợt hạn dài trên 12 tháng và cường độ lớn. Ngược lại tại trạm thủy văn An Khê, tần suất hạn cả thời đoạn 36 năm ở mức thấp và chỉ xảy ra hạn nặng trong thập kỷ 1980–1989. Nghiên cứu đặc điểm về thời gian và cường độ hạn cho thấy hạn hán tại Tây Nguyên đạt giá trị cường độ cao nhất tại những trạm phía Bắc với các đợt hạn đơn lẻ dưới 3 tháng, sau giảm dần xuống phía Nam về cường độ nhưng lại tăng dần về những đợt hạn có thời gian hạn trên 12 tháng. Tính toán cũng cho thấy hạn thủy văn kéo dài nhất với mức độ nghiêm trọng tại trạm Cầu 14 và Giang Sơn là 82 tháng.

Từ khoá: Hạn thủy văn; Chỉ số SSI; Tây Nguyên.

55

6

Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm thiết bị xử lý nguồn nước thuỷ cục nhiễm mặn hiệu suất cao cho các hộ gia đình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Huỳnh Quyền1, Huỳnh Anh Hoàng2*, Đỗ Minh Dương3

1 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố HCM; hquyen@hcmunre.edu.vn; hahoang@hcmunre.edu.vn

3 Trung Tâm Quan Trắc – Kỹ thuật Tài Nguyên & Môi Trường tỉnh Bình Dương; dminhduong@gmail.com

*Tác giả liên hệ: hahoang@hcmunre.edu.vn; Tel: +84–934978151

Tóm tắt:  Trong những năm qua, nguồn nước thuỷ cục của một số địa phươg tại ĐBSCL đã bị nhiễm mặn lên đến 4‰ đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân, nhất là trong những tháng mùa khô. Nghiên cứu này đã chế tạo thử nghiệm thiết bị xử lý nước hiệu suất cao có khả năng khử mặn đạt quy chuẩn QCVN 01–1:2018/BYT ở nồng độ mặn đầu vào ≤ 6‰ và có thể uống trực tiếp. Tỉ lệ sản xuất nước sạch là 53,7÷80,6% đối với mẫu nước máy ở áp suất làm việc 8–9 bar. Nước nhiễm mặn 5‰, tỉ lệ sản suất nước sạch đạt 18,7÷29,1%. Khả năng thu hồi nước xả có thể đạt đến 93,3% ở áp suất 8 bar đối với mẫu nước máy.

Từ khoá: Thiết bị RO; Thẩm thấu ngược; Nước mặn; Nước lợ; Nước sinh hoạt.

69

7

Đánh giá các công trình cung cấp nước sạch tại huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Huỳnh Phú1*, Đào Minh Triều2, Huỳnh Thị Ngọc Hân3, Trần Thị Minh Hà4

1 HUTECH University; h.phu@hutech.edu.vn

2 Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận; minhtrieu.ttnbt@gmail.com

3 Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh; htnhan_ctn@hcmunre.edu.vn

4 Đại học Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột – Dăk Lăk; ttmha@ttn.edu.vn

*Tác giả liên hệ: htnhan_ctn@hcmunre.edu.vn; Tel.: +84–975397953

Tóm tắt: Hiện nay, biến đổi khí hậu và hạn hán vào mùa khô đã tác động đến công trình cung cấp nước tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Mặt khác, các công trình đã đầu tư trước năm 2000 trên địa bàn đã khai thác vượt công suất đã được thiết kế ban đầu, một số công trình bị xuống cấp, chất lượng nước một số công trình chưa đảm bảo chất lượng; công tác hưởng ứng sử dụng tiết kiệm nước sạch chưa thường xuyên, liên tục. Vì vậy, nghiên cứu đánh giá khả năng cấp nước sinh hoạt tại huyện Hàm Thuận Bắc hiện nay là rất cần thiết. Thông qua số liệu nghiên cứu và phân tích SWOT (S–Strengths: những điểm mạnh, W–Weakness: điểm yếu, O–Opportunities: cơ hội và T–Threats: nguy cơ/thách thức); bài báo đã thực hiện khảo sát thực tế cho điểm trọng số 6 tiêu chí: (1) Bền vững về nguồn nước hệ số 2; (2) Bền vững về quản lý vận hành hệ số 2; (3) Bền vững về kinh tế và tài chính hệ số 2; (4) Có sự tham gia của cộng đồng hệ số 2; (5) Bền vững về công nghệ hệ số 1; (6) Bền vững về tổ chức hệ số 1; Từ đó thống kê tính bền vững hay kém bền vững của các công trình, đề xuất 9 (chín) phương án kỹ thuật và quản trị nhằm cấp nước sạch và bền vững cho huyện Hàm Thuận Bắc đến năm 2030 và định hướng đến 2050.

Từ khoá: Biến đổi khí hậu; Cấp nước; Huyện Hàm Thuận Bắc; Phát triển bền vững.

80

8

Giải pháp và kết quả tính tổng lượng hơi nước cột khí quyển (PWV) từ dữ liệu GNSS ở Việt Nam

Lại Văn Thuỷ1*, Dư Đức Tiến2, Mai Khánh Hưng2

1 Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ; laivanthuy68@gmail.com

2 Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia; duductien@gmail.com; maikhanhhung18988@gmail.com

*Tác giả liên hệ: laivanthuy68@gmail.com; Tel.: +84–982964468

Tóm tắt: Bài báo này trình bày giải pháp tính toán tổng lượng hơi nước cột khí quyển PWV (Precipitation water vapor) từ dữ liệu đo GNSS (Global Navigation Satellite System) ở Việt Nam và thông tin về  kết quả đánh giá chất lượng tính PWV từ dữ liệu đo GNSS tại 5 trạm CORS cho trường hợp các điểm đo nằm trong khu vực Điện Biên (DIEB), Hà Nội (HNOI), Vinh (VINH), Đà Nẵng (DNAN), TP. Hồ Chí Minh (HOCM) có số liệu đo thám không vô tuyến và trường hợp các điểm trạm CORS ở những khu vực không có số liệu đo thám không vô tuyến. Các kết quả tính toán có sai số trong khoảng từ 2 mm đến 6 mm, cho thấy tổng lượng hơi nước PWV tính được từ các trạm CORS đều có độ tin cậy cao và hoàn toàn có thể sử dụng được trong nghiên cứu và ứng dụng vào các vấn đề giám sát và dự báo khí tượng trong thời gian tới tại Việt Nam.

Từ khoá: GNSS; PWV; CORS; Tổng lượng hơi nước cột khí quyển.

93

 

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất