Biến đổi khí hậu có thể gia tăng do gió mùa vận chuyển chất ô nhiễm

Đăng ngày: 20-01-2023 | Lượt xem: 1432
Gió mùa châu Á mang đến những cơn mưa – điều này tác động tích cực đến nền kinh tế nông nghiệp, nhưng nó cũng hút các chất ô nhiễm hóa học trên bầu khí quyển dẫn đến tăng tốc độ biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học đang mong chờ kết quả của một dự án quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm xác nhận những phát hiện được công bố trên tạp chí Science rằng các chất ô nhiễm do con người tạo ra được hệ thống gió mùa vận chuyển vào khí quyển và tác động đến hóa học khí quyển, dẫn đến biến đổi khí hậu.

Hóa học khí quyển nghiên cứu về các thành phần của khí quyển hành tinh, bao gồm tầng đối lưu – lớp khí quyển gần Trái đất nhất – tầng bình lưu và các lớp khí quyển khác trên cao.

Laura Pan là nhà điều tra chính của dự án và là nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Hoa Kỳ, nơi đang dẫn đầu Dự án Tác động khí hậu và hóa học gió mùa châu Á (ACCLIP) cùng Cơ quan Hàng không và vũ trụ quốc gia (NASA). ACCLIP đang điều tra việc phát thải khí và sol khí ảnh hưởng như thế nào đến hóa học và khí hậu toàn cầu. Pan cho biết: “Trong những thập kỷ gần đây, các vệ tinh đã cho thấy gió mùa tạo ra một lớp hóa chất tách biệt cách Trái đất khoảng 16 km, nhưng chúng ta biết rất ít về thành phần và sự tiến hóa của nó.

“ACCLIP sẽ cho chúng tôi cơ hội để lấy mẫu những thứ ở đó, nhưng chúng tôi biết rằng bất kể chứa thành phần gì, nó đều liên quan đến khí hậu”.

Dự án kéo dài hàng tháng với sự tham gia của các nhà khoa học từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Đức. Họ sẽ tập trung vào sự lưu thông của gió mùa và lấy mẫu các chất ô nhiễm hóa học được đưa lên các tầng khí quyển cao hơn, nơi chúng ảnh hưởng đến lượng mưa ở châu Á theo nhiều cách khác nhau – dẫn đến cả lũ lụt và hạn hán.

Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng máy bay đặt tại căn cứ không quân Hoa Kỳ ở Hàn Quốc để bay qua các khu vực có chất lượng không khí tồi tệ nhất — nơi có gió mùa châu Á. Các nhà khoa học cho biết khi trời mưa, một loạt các chất ô nhiễm hóa học sẽ bị các hệ thống gió hút vào tầng cao khí quyển và những phản ứng của chúng liên quan đến biến đổi khí hậu.

Bằng chứng cho thấy gió mùa Nam Á vận chuyển các chất ô nhiễm tới những tầng khí quyển cao như tầng bình lưu lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2015, trong một thí nghiệm tương tự do Viện Hóa học Max Planck (Đức), Viện Công nghệ Karlsruhe và Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức thực hiện.

“Nghiên cứu được thực hiện cho đến nay cho thấy gió mùa mùa hè châu Á mang các khí và sol khí ô nhiễm từ lớp ranh giới của châu Á lên tầng cao khí quyển. Một phần các chất ô nhiễm này được vận chuyển cao hơn vào tầng bình lưu và theo chiều ngang đến Tây Thái Bình Dương và Tây Phi dưới dạng dòng xoáy (eddies), “Suvarna Fadnavis ở Viện Khí tượng nhiệt đới Ấn Độ cho biết.

“Những chất khí và sol khí ô nhiễm này ảnh hưởng đến sự cân bằng bức xạ và thành phần hóa học của tầng đối lưu trên và tầng bình lưu dưới (thượng khí quyển)”.

Theo một nghiên cứu của Environmental Research Letters năm 2021, chính sách phong tỏa trong đại dịch COVID-19 đã khiến giao thông đường bộ và công nghiệp tạm thời ngừng hoạt động, giảm thiểu việc tạo ra các chất ô nhiễm và ảnh hưởng đến gió mùa. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng mưa gia tăng ở Nam Á, nơi đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trong những thập kỷ gần đây.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: