Bộ Tài nguyên Môi trường tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý, giảm thiểu chất thải nhựa

Đăng ngày: 23-08-2020 | Lượt xem: 2715
Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.

Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thực hiện các hoạt động sau:

- Hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt việc giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa). Xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần;

- Rà soát và sửa đổi, bổ sung Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 05 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo hướng tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, chủ sở hữu thương hiệu, nhà phân phối, bán lẻ hiện đại và truyền thống trong thu hồi, tái chế chất thải; bổ sung bao bì đóng gói sản phẩm vào danh mục sản phẩm thải bỏ phải thu hồi, tái chế. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tái chế chất thải chấp hành tốt pháp luật bảo vệ môi trường; thúc đẩy các mô hình hợp tác công tư, mô hình kinh doanh, kinh tế chia sẻ và thúc đẩy các sáng kiến, sự tham gia của các hiệp hội, các tổ chức, các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn và chất thải nhựa;

- Nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa và túi ni-lông để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; nghiên cứu, đề xuất lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón.... Ban hành các quy chuẩn, quy định kỹ thuật môi trường cho các sản phẩm, hàng hóa nhựa tái chế bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường. Rà soát, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về nhãn sinh thái đối với tủi ni-lông thân thiện môi trường và các sản phẩm nhựa có hàm lượng tái chế nhất định;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thống kê và định kỳ thống kê, phân loại nguyên liệu nhựa được sử dụng trong sản xuất, tiêu dùng và chất thải nhựa; xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng nhựa và chất thải nhựa trên phạm vi toàn quốc; thực hiện các nghiên cứu về thực trạng, xu hướng phát sinh và công tác quản lý chất thải nhựa. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập khu công nghiệp tái chế tập trung theo quy định của pháp luật để hình thành ngành công nghiệp, thị trường tái chế;

- Thực hiện nghiêm các quy định về nhập khẩu phế liệu nhựa theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; chỉ được nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa (không bao gồm hạt nhựa tái chế thương phẩm), trừ các trường hợp dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và cơ sở sản xuất đang hoạt động được phép nhập khẩu nhựa phế liệu để sản xuất ra hạt nhựa tái chế thương phẩm đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Không cấp phép cho các cơ sở nhập khẩu phế liệu chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại phế liệu;

- Rà soát, sửa đổi Quyết định 73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập khẩu phế liệu nhựa sạch, có giá trị tái chế cao, không nhập khẩu phế liệu nhựa sử dụng một lần. Nghiên cứu và đề xuất tái xuất hoặc trả lại phế liệu nhựa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;

- Tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 và đề xuất chính sách, quy định pháp luật để quản lý, hạn chế, tiến tới không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt;

- Đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung thực hiện mục tiêu sử dụng 100% túi ni-lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni-lông khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt;

- Chủ trì tổ chức thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; xây dựng và vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; thiết lập và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương; tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; chủ động tham gia thiết lập chính sách, cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để xử lý vấn đề chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương. Vận động, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải nhựa;

- Xây dựng, thực hiện hiệu quả Kế hoạch tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu, phân loại chất thải nhựa; phát hiện, phổ biến và trao giải thưởng môi trường đối với các mô hình, giải pháp, sáng kiến về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; xây dựng cổng thông tin điện tử để chia sẻ thông tin, kiến thức về chất thải nhựa; nghiên cứu và đưa tiêu chí giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa trong đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương;

- Thực hiện xã hội hóa, nâng cao vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp trong hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; mở rộng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, phân phối, quảng bá, tiêu dùng các sản phẩm nhựa, túi ni-lông được gắn nhãn xanh; xây dựng, triển khai, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đăng ký, khai báo, quản lý việc sản xuất, sử dụng sản phẩm chứa chất thải nhựa, túi ni-lông; tăng cường truyền thông, triển khai nhân rộng, áp dụng hiệu quả các mô hình giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa, túi ni-lông tại các địa điểm, khu du lịch, đặc biệt các địa điểm, khu du lịch gắn liền với nguồn nước...;

Chủ trì, phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp triển khai các phong trào, mô hình chống chất thải nhựa, giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại và thu gom chất thải nhựa; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa.

Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: