Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Đăng ngày: 12-09-2020 | Lượt xem: 1250
Năm 2020, được dự báo tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô năm 2020-2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng.

Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, trước hết là trong các tháng mùa khô năm 2020-2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức theo dõi diễn biến và dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và xâm nhập mặn; kịp thời thông tin, cảnh báo cho các địa phương, cơ quan liên quan và người dân vùng ảnh hưởng để phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp;

- Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt để xây dựng giải pháp và bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt phù hợp với từng vùng để phục vụ xây dựng kế hoạch cấp nước, hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra;

- Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng;

- Hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu, giống cây trồng phù hợp cho từng khu vực trên cơ sở dự báo về nguồn nước, nguy cơ xâm nhập mặn; khuyến cáo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cây ăn quả tại các vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao;

- Hướng dẫn địa phương tính toán, xác định lượng nước tưới cần thiết cho các vùng cây ăn trái có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn; giải pháp trữ nước, cung cấp nguồn nước tối thiểu để bảo đảm duy trì sức sống cho cây trồng. Hướng dẫn thực hiện các giải pháp cấp nước hộ gia đình và công trình cấp nước tập trung; rà soát quy định về quản lý chất lượng nước sinh hoạt nông thôn, kiểm tra tình hình cấp nước khu vực nông thôn; vận động tổ chức trong nước, quốc tế hỗ trợ người dân ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng thường xuyên có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng vượt quá khả năng xử lý của địa phương, rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại các địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

- Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn (kiểm tra, tổng hợp nguồn nước trong các hệ thống thủy lợi, kế hoạch sử dụng nước, điều chỉnh thời vụ, giống cây trồng phù hợp,...), chỉ đạo triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chỉ đạo tổ chức theo dõi, tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn;

- Tổ chức thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất cấp thẩm quyền xem xét đề nghị tăng cường xả nước từ hồ chứa thủy điện thượng nguồn để góp phần đẩy mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long trong trường hợp cần thiết và hiệu quả.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo chức năng quản lý nhà nước được giao, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên cân đối nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và hỗ trợ thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo quy định.

Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt, phòng, tránh phát sinh dịch bệnh do ảnh hưởng của xâm nhập mặn kéo dài.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động theo dõi tình hình thiếu đói do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài (nếu có), kịp thời, tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ theo đúng quy định của phát luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông về tình hình, nguy cơ và các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để người dân biết, chủ động thực hiện, tăng cường sử dụng điện, nước tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng các kênh song phương, diễn đàn/cơ chế hợp tác khu vực để thu thập, chia sẻ thông tin về nguồn nước và điều tiết của các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Mê Công, phục vụ công tác dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông khác tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông về tình hình, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, các biện pháp chỉ đạo ứng phó đến các cấp chính quyền, người dân trong khu vực.

Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: