Đánh giá kết quả hợp tác đào tạo với Hoa Kỳ và định hướng

Đăng ngày: 16-01-2020 | Lượt xem: 1346
Mục đích của khóa đào tạo là giới thiệu thông tin cơ bản về các phương pháp phân tích và điều chỉnh dữ liệu lượng mưa ra đa trong thời gian thực để làm đầu vào cho dự báo thủy văn nghiệp vụ và đặc biệt là cho hệ thống hướng dẫn lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS). Nhìn chung, mục đích của khóa đào tạo đã đạt được.

Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn (HRC), Hoa Kỳ đã có những bài giảng dễ hiểu, cung cấp các kiến thức cơ bản về khai thác sản phẩm mưa ước lượng từ ra đa và cho học viên trực tiếp thực hành phân tích, tính toán sau mỗi bài giảng. Điều này giúp học viên có thể tiếp nhận những thông tin được truyền đạt từ HRC một cách dễ dàng. Kết quả đã đạt được từ khóa học này như sau:  Kiến thức cơ bản và quan trọng về ra đa và thủy văn. Các phương pháp tiền xử lý và kiểm soát chất lượng dữ liệu lượng mưa ước lượng từ ra đa và hệ thống trạm quan trắc mặt đất. Học và thực hành phương pháp khí hậu (climatology) cho hiệu chỉnh lượng mưa ước lượng từ ra đa dựa trên số liệu mưa thực đo tại các trạm quan trắc bề mặt.  Phân tích độ nhạy của các thông số mô hình độ ẩm đất và lượng mưa đầu vào trong mô phỏng dòng chảy và độ ẩm đất.

Được giới thiệu tổng quan về hệ thống SEAFFGS (dự kiến sẽ được hoàn thành trong thời gian tới). So với hệ thống MRCFFGS đang tham khảo tại trung tâm, hệ thống mới có nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt là việc đưa sản phẩm mưa ước lượng từ ra đa của các nước thành viên vào hệ thống. Việc này sẽ giúp cho kết quả hệ thống được cập nhật thường xuyên hơn (dự kiến là cập nhật 1 tiếng/lần trong khi hệ thống cũ là 6 tiếng/lần). Ngoài ra, hệ thống SEAFFGS sẽ được đưa thêm một số mô hình mưa dự báo để dự báo viên có thể tham khảo, riêng Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm mưa dự báo từ mô hình WRF 3km, hiện sản phẩm này cũng đang được khai thác tại Trung tâm.

Một vài nội dung đã không được bên phía HRC giải thích rõ ràng, ví dụ như phương pháp giảm thiểu sai số lượng mưa ra đa. Hai phương pháp khí hậu và động lực được trình bày một cách sơ sài, đặc biệt là phương pháp động lực gần như không được đề cập đến. Riêng phương pháp khí hậu, học viên được cung cấp một tệp chạy “.exe” và bản hướng dẫn lập dữ liệu đầu vào để chạy tệp mà không hiểu nội dung bên trong. Học viên đã yêu cầu cho xem chương trình nhưng bị từ chối. Ngoài ra, bên phía HRC cũng hứa gửi tài liệu tham khảo về hai phương pháp này nhưng cho đến nay vẫn chưa gửi. Những vấn đề này gây ra khó khăn cho người học để hiểu sâu về hệ thống SEAFFGS cũng như vận hành hệ thống.

Dữ liệu ra đa trong quá khứ của Việt Nam được lưu trữ ở nhiều định dạng khác nhau, hầu hết là định dạng gốc của nhà sản xuất. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho việc khai thác, trích xuất số liệu ra các định dạng phổ thông của bên phía HRC. Do đó, trong quá trình đào tạo, các công việc thực hành đều sử dụng số liệu của Thái Lan.

 Đề xuất: Nội dung đề xuất được dựa trên tiềm năng khai thác dữ liệu ra đa phục vụ cho mục đích thủy văn ở Việt Nam và những khó khăn mà hệ thống SEAFFGS sẽ gặp phải khi xây dựng: Dựa trên tiềm năng khai thác dữ liệu ra đa cho mục đích thủy văn, hai đề xuất sau được đưa ra: Tìm bộ thông số A, b trong mối quan hệ lượng mưa - độ phản hồi vô tuyến theo các mùa (lũ, khô) hoặc theo các giai đoạn ảnh hưởng của các hình thế thời tiết (dải hội tụ nhiệt đới, gió mùa Tây Nam, gió mùa Đông Bắc, hoặc bão…) và thậm chí theo các tháng. Khai thác, ứng dụng số liệu mưa ra đa làm đầu vào cho mô hình thủy văn trong công tác dự báo lũ, quy hoạch tài nguyên nước.  

Dựa trên những khó khăn mà SEAFFGS sẽ gặp phải, hai đề xuất sau được đưa ra: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đài khí tượng Cao không và HRC để bổ sung và hoàn thiện dữ liệu ra đa trong quá khứ (ít nhất 6 tháng mùa mưa) phục vụ cho công tác hiệu chỉnh mưa ước lượng từ ra đa theo phương pháp khí hậu. Do việc trích xuất dữ liệu quá khứ mưa CAPPI gặp khó khăn nên Trung tâm và Đài khí tượng Cao không đang nhờ HRC hỗ trợ và tìm giải pháp xử lý. Tiếp tục đề xuất với HRC chia sẻ nhiều hơn chương trình hiệu chỉnh mưa bằng phương pháp khí hậu; giới thiệu sâu hơn về phương pháp động học để dự báo viên có thể hiểu được cơ sở khoa học của phương pháp, từ đó dự báo viên mới có thể vận hành, khai thác hệ thống SEAFFGS một cách hiệu quả.  

Khóa tập huấn là một cơ hội tốt để các học viên mở rộng mối quan hệ với các thành viên khác/chuyên gia thuộc ủy hội sông Mê Công quốc tế và trung tâm HRC. Trong tương lai, sự liên kết và hợp tác giữa các nước thành viên trong khu vực với HRC cần tiếp tục được duy trì và phát huy để hiệu quả của việc vận hành hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á ngày càng được nâng cao và góp phần giảm thiểu tối đa nhưng thiệt hại do lũ quét gây ra. Dự báo viên nên chủ động tìm tòi việc khai thác và ứng dụng dữ liệu mưa ra đa trong công tác dự báo lũ; đây là một điểm mạnh có thể khai thác từ hệ thống SEAFFGS sau khi hệ thống đi vào hoàn thiện để khắc phuc tình trạng thiếu dữ liệu mưa ở nhiều khu vực trong cả nước. Như vậy ngoài việc tham khảo sản phẩm cho công tác cảnh báo lũ quét, dự báo viên cũng có thể dự báo lũ từ việc khai thác sản phẩm của hệ thống. Việc phối hợp giữa Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia với Đài khí tượng Cao không, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn cũng như sự phối hợp giữa các quốc gia thành viên và HRC là hết sức cần thiết và cần được tiếp tục phát huy để dự án được thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất.

Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: