Diễn biến của cơn bão số 4 (Podul) năm 2019 và công tác dự báo phục vụ

Đăng ngày: 31-08-2019 | Lượt xem: 2154
Sáng 27/8, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên vùng biển phía Đông miền Trung Phi-líp-pin đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Podul với sức gió mạnh cấp 8 giật cấp 10. Sau khi mạnh lên thành bão, bão Podul di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 30-35km/h. Sáng sớm 28/8, bão Podul vượt qua đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 trong năm 2019.

Sau khi vào Biển Đông, bão số 4 duy trì cường độ cấp 8, giật cấp 11 và di chuyển nhanh theo hướng Tây với tốc độ trung bình 30km/h. Tối cùng ngày, khi di chuyển vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa, cường độ bão mạnh cấp 9, giật cấp 11, di chuyển chậm hơn trước với tốc độ trung bình 25km/h. Sáng sớm ngày 30/8, bão số 4 đi vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, đi sâu vào đất liền, suy yếu nhanh thành ATNĐ sau đó là vùng áp thấp trên khu vực trung Lào. 

Đường đi của bão số 4 (Podul)

Ảnh hưởng của cơn bão số 4

Ảnh hưởng về gió mạnh

Bão số 4 có cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11 khi đi vào vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Khi đổ bộ gây ra gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Chi tiết về gió mạnh quan trắc thực tế trong.

Thời gian và khu vực đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp: Khoảng 01h00 đến 02h00 ngày 30/8, bão số 4 đi vào các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình (tâm bão đi vào giữa Ba Đồn và Đồng Hới). Khí áp thấp nhất quan trắc được khi bão đổ bộ tại trạm Đồng Hới (Quảng Bình) là 991.2mb.

Ảnh hưởng về mưa

Từ đêm 28/8 đến sáng 30/8 ở các tỉnh từ Thanh hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn như: Lý Nhân (Thanh Hóa) 358mm, Sao Vàng (Thanh Hóa) 295mm, Cẩm Ly (Quảng Bình) 263mm, Vĩnh Ô (Quảng Trị) 276mm,… Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to lượng mưa phổ biến 70-150mm, khu vực Bắc Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-150mm.

Ảnh hưởng về lũ

Từ ngày 30/8-01/9, trên các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An đã xuất hiện 01 đợt lũ nhỏ. Biên độ lũ lên trên các sông phổ biến từ 1,5-4,5m, riêng sông Bưởi tại Kim Tân biên độ lũ lên trên 6m. Đỉnh lũ trên các sông phổ biến dưới BĐ1, riêng sông Chu tại Bái Thượng đỉnh lũ trên BĐ1 là 0,35m.

Ảnh hưởng sóng biển và nước dâng

Bão số 4 cũng đã gây hiện tượng nước dâng cho khu vực ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, tuy nhiên độ cao nước dâng không lớn.

Thiệt hại do bão số 4

Theo thông tin của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng như báo cáo nhanh của các Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực, tình hình thống kê thiệt hại do bão số 4 như sau:

- Về nhà ở: Tại Thanh Hóa 107, Nghệ An 73, Hà Tĩnh 41, Quảng Bình 20, Quảng Trị 01 bị hư hại, tốc mái, ngập 282 nhà tại Thanh Hóa.

- Về giao thông:

Thanh Hóa: Quốc lộ 15, 15C, 16, 217, 217B và 47 có 36 điểm sạt lở taluy dương với khối lượng khoảng 27.650m3 đất đá; Tỉnh lộ 521E, 530B, 516B, 523C, 522, 523, 516, 519B bị sạt lở taluy dương, taluy âm với khối lượng khoảng 2.270m3 đất đá. Ngoài ra, nhiều tuyến đường liên thôn, xã bị ngập gây tắc đường 10 điểm; sạt lở 157m.

Nghệ An: Quốc lộ 16 có 13 điểm sạt lở taluy dương; Tỉnh lộ 532, 543C có 17 điểm bị sạt lở taluy dương.

- Về nông nghiệp: Tại Thanh Hóa 4.520ha, Nghệ An 388ha, Hà Tĩnh 515ha, Quảng Bình 600ha, Quảng Trị 50ha lúa bị đổ; nhiều diện tích hoa màu bị hư hại.

- Đặc biệt đã có 01 người chết (Quảng Bình); bị thương 03 người (Hà Tĩnh 02 người, Quảng Bình 01 người).

Công tác dự báo phục vụ

Sáng 26/8, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia ban hành Công văn gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về khả năng xuất hiện bão/ATNĐ và cảnh báo ảnh hưởng của bão/ATNĐ đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Các bản tin sau đó đều dự báo bão đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, thông tin dự báo trước từ 2-3 ngày bão đổ bộ.

Từ bản tin 14h30 chiều 28/8, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã liên tục cảnh báo vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên) ở phía Bắc vĩ tuyến 15,0oN.

Sáng 01/9, Trung tâm đã ban hành bản tin cảnh báo lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Các bản tin nhanh về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và bản đồ phân vùng các khu vực với mức độ nguy cơ khác nhau đã được gửi đến Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạm (PCTT&TKCN) các địa phương (khu vực nguy cơ cao đến rất cao được chi tiết hóa đến cấp huyện và gửi đến Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện).

Trung tâm đã tổ chức 02 buổi thảo luận trực tuyến với các Đài KTTV khu vực Đông Bắc, Việt Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên, các Đài KTTV tỉnh liên quan và các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhằm đánh giá về tình hình bão, mưa, lũ và an toàn hồ chứa trong khu vực ảnh hưởng. Trong suốt thời gian diễn ra bão, lũ các Quan trắc viên tại các trạm đã thực hiện tốt kỷ luật quan trắc, công tác đo đạc, thông tin liên lạc hoạt động tốt.

Tổng cộng, Trung tâm đã ban hành 22 bản tin về bão số 4, 03 tin cảnh báo lũ cho các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, 08 tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.

Tin: Thành Công - Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: