Giám sát để hạn chế chuyển giao công nghệ gây ô nhiễm môi trường

Đăng ngày: 28-09-2016 | Lượt xem: 1187
Đó là mục tiêu quan trọng của Luật Chuyển giao công nghệ đang được sửa đổi. Nếu việc giám sát này được thực thi một cách chặt chẽ, Việt Nam sẽ tránh được nguy cơ trở thành bãi rác công...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BN.

Đây cũng là quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Chỉ thị 25/CT mới ban hành tháng 8/2016. Ông thẳng thắn cho rằng, thu hút đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường; không cho phép đầu tư vào các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm.

Tại Hội thảo “Tình hình thực thi Luật chuyển giao công nghệ 2006 trong các doanh nghiệp: Thực trạng và đề xuất sửa đổi” do Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 27/9, ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc soạn thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi được nghiên cứu theo tinh thần xây dựng hệ thống quản lý, giám sát đảm bảo sự minh bạch, nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời ngăn chặn tình trạng chuyển giá qua hoạt động chuyển giao công nghệ.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ tập trung vào 5 nội dung chính liên quan đến 16 Điều trên tổng số 61 Điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006. Các nội dung sửa đổi chủ yếu liên quan đến vấn đề về phát triển thị trường khoa học và công nghệ; thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ...

Trong thời gian qua, chúng ta đã nhập khẩu nhiều công nghệ lạc hậu gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều  nhiên liệu… Đặc biệt, sự cố môi trường do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung khiến chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề chuyển giao công nghệ, nhập khẩu các dây chuyền công nghệ cho sản xuất, cho môi trường.  

Đã có hơn 20 lượt ý kiến đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã góp ý cụ thể từng điều, khái niệm và đánh giá cao tinh thần đổi mới của dự thảo Luật. Nhiều ý kiến góp ý Ban soạn thảo dự án Luật cần xây dựng những quy định chặt để có bộ lọc tốt ngăn công nghệ lạc hậu, không chấp nhận đánh đổi ô nhiễm để lấy tăng trưởng.

Nhiều đại biểu đề xuất dự án Luật cần có quy định cụ thể về những công nghệ nào cấm nhập, công nghệ nào hạn chế chuyển giao. Quan tâm tạo điều kiện trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, phù hợp với Việt Nam và khắc phục tình trạng “lỗ hổng” trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên để tránh những sự cố môi trường như Formosa, chỉ giám sát việc chuyển giao công nghệ là chưa đủ. Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Luật đầu tư chúng ta mở ra và quy định hậu kiểm, Luật bảo vệ môi trường quy định đánh giá tác động môi trường thì chúng ta phải xem xét lại.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp và cho rằng có được bản dự thảo Luật hoàn thiện đến thời điểm này là kết quả của trí tuệ tập thể của Ủy ban KHCN&MT Quốc hội, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã đồng hành, chia sẻ cùng cơ quan soạn thảo. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, với những công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sẽ có những quy định kiểm soát chặt.

Nguồn: monre.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: