Hội thảo là nơi để đội ngũ các nhà khoa học trẻ, các nghiên cứu viên, các đoàn viên thạnh niên giao lưu, chia sẻ các công trình nghiên cứu khoa học từ đó nắm bắt và làm chủ các công nghệ mới, các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 góp phần tạo ra những bước đột phá phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới.
PGS. TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trình bày bài đề dẫn và chủ trì hội thảo
Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà khoa học trẻ với hơn 40 công trình nghiên cứu, báo cáo được gửi đến Ban tổ chức, trong số đó Ban tổ chức đã lựa chọn được các công trình tiêu biểu được giới thiệu tại Hội thảo này. Đặc biệt, có 2 công trình nghiên cứu có tính thực tiễn mang tầm quốc tế, đó là Công trình nghiên cứu đề xuất phương pháp nâng cao năng lực dự báo mưa lũ của tác giả Nguyễn Hoàng Minh, Dự báo viên Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. Nghiên cứu này đã đề xuất một phương pháp nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ của một cặp mô hình khí tượng thủy văn bằng cách tạo ra lượng mưa tổ hợp (EPP) kết hợp với lượng mưa dự báo dựa trên ra đa và sai số không gian của lượng mưa dự báo. Các kết quả nghiên cứu bước đầu đã và đang được thử nghiệm tại Trung tâm Dự báo KTTV trong dự báo, cảnh báo.
Các báo cáo viên báo cáo tại Hội thảo
Tiếp đó là công trình “Xây dựng ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn phục vụ quá trình chuyển đổi số tại Viện Nghiên cứu biển và hải đảo” của nhóm tác giả Phạm Minh Dương, Trần Thanh Hải, Nghiêm Thanh Hải thuộc Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo. Ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn của Viện được xây dựng trên nền tảng Microsoft SQL Server 2017, phần mềm quản lý được lập trình bằng ngôn ngữ C# và mô hình MVC, giao diện thiết kế thân thiện, dễ sử dụng. Việc đưa vào vận hành ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu này là cơ sở quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo.
Hội thảo cũng đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế tham gia và trình bày. Báo cáo tham luận của TS. Frederic Cazenavi: kỹ sư khí tượng thủy văn, Viện Khoa học Địa chất Môi trường (IGE) thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp về Phát triển Bền vững (IRD). Ông đã có hai tháng hợp tác với các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nước Châu Á CARE của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hồ Chí Minh và Đài KTTV khu vực Nam Bộ trong lĩnh vực mưa lớn. Báo cáo đã chia sẻ về vấn đề giám sát và dự báo mưa lớn ở khu vực Hồ Chính Minh (hệ quả là ngập lụt nặng).
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu còn được nghe các báo cáo gồm: Ứng dụng công nghệ trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện của Viện nghiên cứu Quản lý đất đai. Định hướng áp dụng kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên nước của Viện Khoa học Tài nguyên nước. Nghiên cứu ứng dụng GIS và viễn thám trong dự báo thu hẹp đất canh tác nông nghiệp do mực nước biển dâng tại khu vực tỉnh Thái Bình của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Trường Đại học Giao thông Vân tải. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong thành lập bản đồ độ sâu góp phần nâng cao tính tự động hóa trong thành lập bản đồ chuyên đề tỷ lệ lớn của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ và Học Viện kỹ thuật Quân sự.
Hội thảo đã tạo ra môi trường, cơ hội kết nối, hướng dẫn, cố vấn của các nhà nghiên cứu về tài nguyên môi trường, kinh tế môi trường nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước về ngành, hướng tới xây dựng đội ngũ các nghiên cứu viên có năng lực, tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hội thảo như một thông điệp kêu gọi các nhà khoa học trẻ tiếp tục cống hiến và đam mê với khoa học để tạo ra những công trình nghiên cứu đạt chuẩn chất lượng, tính ứng dụng thực tiễn cao.
Tạp chí KTTV