Mục tiêu của hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nổi bật của lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030.
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện KTTV và Biến đổi khí hậu phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện KTTV và Biến đổi khí hậu cho biết: Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, làm thay đổi nhiều qui luật của tự nhiên, trầm trọng hơn các biểu hiện cực đoan của thời tiết trên phạm vi toàn cầu, trong đó có nước ta. Việt Nam ngày càng ghi nhận thêm nhiều kỷ lục cực đoan mới của thời tiết, như: hạn hán gay gắt, kéo dài ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; xâm nhập mặn kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long; rét đậm, rét hại ở phía Bắc; bão mạnh đến siêu bão, mưa cường độ lớn ở nhiều nơi. Các biểu hiệu thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng của nhân dân; nhiều địa phương đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.
Trong khi đó, khoa học công nghệ đang phát triển rất nhanh, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cũng như đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta, trong đó có ngành của chúng ta, ngành khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Đảng và Nhà nước vẫn luôn xác định khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược của đất nước.
Theo đó, ông nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2011-2021 vừa qua, lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đã triển khai thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ, đề tài khoa học và công nghệ các cấp đã góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý, cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, tập trung ở 3 khía cạnh chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, góp phần cung cấp cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cụ thể là góp phần xây dựng luật khí tượng thủy văn, Dự thảo Khung dịch vụ khí hậu tại Việt Nam, thuyết minh kèm theo và Hướng dẫn triển khai Khung Dịch vụ khí hậu trình Bộ phê duyệt là cơ sở cho các cơ quan quản lý thực hiện và giám sát theo đúng chuẩn Khí hậu Quốc tế; trình Chính phủ ban Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cập nhật kịch bản BĐKH cho Việt Nam, xây dựng Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia…
Thứ hai, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khí tượng, thủy văn và biến đổi khí hậu.
Thứ ba, góp phần từng bước đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong dự báo, cảnh báo thiên tai, giảm thiểu, khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường, quản lý chất thải, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Cụ thể như thiếu cơ chế phối hợp để thu hút chất xám và động viên các nhà khoa học trong nghiên cứu triển khai khoa học và công nghệ khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Các đề tài về giải pháp, mô hình dự báo và cảnh báo thiên tai chưa được triển khai phổ biến, áp dụng rộng rãi. Còn thiếu nguồn lực kỹ thuật và tài chính phục vụ nghiên cứu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu,…
GS. TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo là nơi để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia góp ý và trao đổi thảo luận, nhìn nhận lại khó khăn, vướng mắc hiện nay và các kết quả đã được giai đoạn 2011-2021, từ đó đưa ra định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu trong thời gian tới; xác định những lĩnh vực trọng tâm cần triển khai để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai khí tượng thủy văn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình KH&CN trọng điểm cấp bộ về dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV phục vụ công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Tạp chí KTTV