Tại hội nghị tổng kết chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai" (KC.08 giai đoạn 2016-2020), Ban Chủ nhiệm chương trình đã nêu nhiều kết quả sau 5 năm thực hiện.
Là một trong số các nhiệm vụ điển hình, PGS.TS Mai Văn Khiêm, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu xây dựng hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa cho Việt Nam bằng các mô hình động lực" cho biết, từ nghiên cứu này, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được mô hình động lực dự báo khí hậu theo mùa, làm cơ sở để cảnh báo sớm các hiện tượng khí hậu cực đoan. Sản phẩm dự báo từ mô hình này là nhiệt độ, lượng mưa, chỉ số gió mùa hè, rét đậm, rét hại và giảm bớt sai số trong dự báo.
Ứng dụng mô hình vào thực tế, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia từ tháng 6/2021 đã đưa ra bản tin dự báo mùa đông năm nay có thể đến sớm. Đầu tháng 12 có thể xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại. "Việc dự báo chính xác như vậy một phần dữ liệu chắt lọc từ chính mô hình nghiệp vụ trong đề tài nghiên cứu", PGS.TS Mai Văn Khiêm nói.
Từ tháng 6/2021 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa ra bản tin dự báo mùa đông năm nay có thể đến sớm. Ảnh: ST
Đây chỉ là một trong 38 nhiệm vụ của chương trình KC.08. Ở nhiệm vụ nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân, tác động và các giải pháp giảm thiểu hạ thấp lòng dẫn sông Cửu Long do PGS.TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam làm chủ nhiệm đã đưa ra các phương pháp đo đạc, tính toán chi tiết. Theo đó nghiên cứu đã chỉ ra nhiều đoạn lòng sông hạ thấp 10-20 cm/năm, có đoạn lên đến 27 cm/năm. Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận, tốc độ hạ thấp trung bình đáy sông của sông Tiền khoảng 20 cm/năm và sông Hậu là 15 cm năm. Lòng dẫn sâu dần, lượng cát sẽ ngày càng giảm, phù sa ngày càng ít. Nhóm đề xuất cần nghiên cứu về vật liệu thay thế cát, quản lý tốt hơn việc khai thác cát để giảm thiểu tình trạng này.
Theo GS.TS Nguyễn Vũ Việt, Chủ nhiệm Chương trình, sau hơn 5 năm, các nhiệm vụ thuộc Chương trình KC.08 cơ bản hoàn thành với 35 nhiệm vụ đã nghiệm thu. Số nhiệm vụ còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 10 năm nay. Chương trình có 20 sản phẩm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, 45 giải pháp công nghệ, nhiều phần mềm, bản đồ được đưa vào ứng dụng. Có 8 sản phẩm có thể thương mại hóa và 18 chủng vi sinh vật đang trong quá trình chuyển giao ứng dụng.
Đánh giá cao các kết quả này, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng giai đoạn tới, ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu, đưa ra các công nghệ, quy trình, giải pháp, các nhà khoa học phải tính toán được hiệu quả kinh tế từ việc áp dụng các công nghệ, mô hình, sản phẩm của chương trình. Khi đó sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Ngoài ra, các chương trình trong giai đoạn tới phải tái cấu trúc theo hướng giải các bài toán lớn mang tính liên vùng, từ đó huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước đem lại hiệu quả nghiên cứu cao hơn.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thành Trung
Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, giai đoạn 2021-2025 Chương trình sẽ phải tạo ra được các sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu lớn của Chương trình là phát triển, ứng dụng, chuyển giao được các phương pháp, mô hình công nghệ tiên tiến, tích hợp nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới nền kinh tế xanh.
Chương trình nghiên cứu chuyển giao được các phương pháp công nghệ mới, tiên tiến trong dự báo, giám sát các yếu tố môi trường tư nhiên; ứng dụng được các công cụ, mô hình, công nghệ tiên tién, tích hợp vào dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thuỷ văn nguy hiểm, các loại hình thiên tai điển hình của Việt Nam như sạt lở, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...
Ở giai đoạn mới, các nhiệm vụ của Chương trình nghiên cứu, xây dựng, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, giám sát đánh giá tác động đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương và đề xuất giải pháp ứng phó phù hợp.
Theo Vnexpress