Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại Hội nghị
Đây là diễn đàn khoa học dành cho các nhà khoa học trẻ trên toàn quốc nhằm đưa ra những ý tưởng, giải pháp, công trình nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, đồng thời thể hiện sự hợp tác, liên kết của giới trẻ. Hội nghị đã nhận được 200 công trình khoa học chuyên sâu thuộc các lĩnh vực như hóa học, vật lý, sinh học, môi trường và phát triển bền vững… ở các trường đại học và viện nghiên cứu lớn trên phạm vi cả nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Viện Kỹ thuật Hóa học, Viện Tài nguyên và môi trường biển Hải Phòng,…
Phát biểu tại Hội nghị, GS. TS. Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trải qua ba lần tổ chức, Hội nghị đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực từ các nhà khoa học trẻ với hơn 500 công trình khoa học trong nhiều lĩnh vực đến từ khắp mọi miền của tổ quốc, đồng thời nhấn mạnh: “Hội nghị không chỉ có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển gia công nghệ giữa cán bộ trẻ ở các trường đại học và các đơn vị nghiên cứu trên toàn quốc mà còn là cơ hội để các nhà khoa học trẻ xích lại gần nhau, hình thành những nhóm nghiên cứu liên ngành, liên trường, đồng thời đánh giá cao một số công trình có khả năng ứng dụng trong thực tế như “Công nghệ biogas để xử lý phụ phẩm chế biến rau quả và thu hồi năng lượng tái tạo ở Việt Nam”, “Khả năng lưu trữ carbon của cỏ biển Việt Nam”…
Hội nghị quy tụ hơn 200 công trình khoa học chuyên sâu
Cũng tại Hội nghị, các nhà khoa học đầu ngành, các nhà quản lý đã quan tâm, định hướng và mong muốn các nhà khoa học trẻ tiếp nối có sự say mê, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
TS. Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu bật nguyên nhân, tác động và các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như những đóng góp trong nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trẻ. Đồng thời gợi mở hướng nghiên cứu tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới bị tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Chẳng hạn như: Nghiên cứu các giải pháp thay thế các loại cây trồng ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm thích ứng với độ mặn tăng cao hay ở vùng cực Nam Trung Bộ nhằm thích ứng với hạn hán gia tăng; Nghiên cứu, phát triển các chất có khả năng hấp thu khí nhà kính, từ đó thí điểm áp dụng cho một số lĩnh vực có mức phải thải cao như công nghiệp, giao thông, nông nghiệp; Nghiên cứu các dạng năng lượng mới, xăng sinh học, nhiên liệu sạch, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiểu quả, …
TS. Trương Đức Trí cũng nhấn mạnh, để có những kết quả tốt và mang tính ứng dụng cao trong thực tế, bên cạnh sự chủ động, sáng tạo và nỗ lực vượt bậc của các nhà khoa học trẻ, rất cần có sự quan tâm, đầu tư thích đáng về công nghệ, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu cũng như hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà khoa học trẻ, để ngày càng có nhiều sáng kiến, ý tưởng, giải pháp, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cao, góp phần ứng phó hiệu quả với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, bảo vệ mái nhà chung của chúng ta.
Nguồn: Báo TN&MT