Lựa chọn mô hình kinh tế hệ sinh thái nông hộ thích ứng BĐKH

Đăng ngày: 20-12-2017 | Lượt xem: 1690
(TN&MT) - Trên cơ sở các quy trình được sử dụng để đánh giá mô hình kinh tế hệ sinh thái đã được ứng dụng tại nhiều địa phương, TS Trần Văn Trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất...

Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL; Thí điểm tại 1 huyện điển hình” (mã số BĐKH.05/16-20), thuộc Chương trình Khoa học công nghệ ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016 – 2020.

Mô hình trồng lạc thích ứng biến đổi khí hậu ở Nghệ An

Khung lý thuyết để xây dựng mô hình xem xét cảnh quan là đơn vị cơ bản nhất của tổ chức lãnh thổ sản xuất, đồng thời cũng là đơn vị phù hợp nhất cho việc đề xuất các giải pháp quản lý thích ứng với các tác động của BĐKH và tai biến thiên nhiên. Điều này phù hợp với cộng đồng dân cư canh tác nông nghiệp ven biển, vốn là đối tượng dễ bị tổn thương và góp phần thực hiện chiến lược thích ứng với BĐKH và nước biển dâng ở quy mô địa phương.

Nghiên cứu đã đề xuất 5 giai đoạn xây dựng mô hình, bao gồm: Điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và rủi ro, tai biến do BĐKH và nước biển dâng; Nghiên cứu đặc điểm sinh thái cảnh quan theo các đơn vị kiểu cảnh quan và tiểu vùng cảnh quan; Đánh giá sinh thái cảnh quan các loại hình sử dụng cảnh quan điển hình; Đánh giá tổng hợp và đề xuất các mô hình kinh tế sinh thái ưu tiên.

Bước đầu tiên là điều tra đặc điểm và bản đồ hóa sự phân bố của các điều kiện tự nhiên có tác động đến mô hình kinh tế sinh thái. Liên quan đến hệ thống nông nghiệp, nông thôn ven biển, cần đặc biệt chú ý các hợp phần: địa chất, địa hình và các quá trình địa mạo; đặc điểm khí hậu (nhiệt, ẩm và các hiện tượng thời tiết cực đoan; mạng lưới và đặc điểm các yếu tố thủy, hải văn (sông, hồ, nước ngầm, chất lượng nước, xâm nhập mặn…); đặc điểm thổ nhưỡng (loại đất, độ dốc, độ dày tầng đất, thành phần cơ giới…); hiện trạng sử dụng đất và thảm thực vật. Các thông tin này có thể tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, bên cạnh đó, kết hợp với phương pháp điều tra, khảo sát địa lý tự nhiên ngoài thực địa. Ngoài ra, địa phương cần đánh giá và bản đồ hóa nguy cơ ngập lụt, xói lở bờ biển, nước biển dâng, xâm nhập mặn… có dựa trên kịch bản BĐKH và nước biển dâng của VIệt Nam.

Sau khi xác định các lớp thông tin chuyên đề về điều kiện tự nhiên, hiện trạng sử dụng đất và các tai biến thiên nhiên liên quan, bước tiếp theo là phân tích liên hợp các bản đồ thành phần. Từ đó, thành lập bản đồ phân kiểu cảnh quan trong không gian nghiên cứu theo hệ thống phân loại logic. Bản đồ cảnh quan được thành lập theo phương pháp này là các cảnh quan tai biến, tức là nhìn vào chú giải chúng ta có thể  biết được các tai biến thiên nhiên mà cảnh quan đó có nguy cơ phải chịu (Bản đồ cảnh quan truyền thống chưa làm được điều này).

Mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại vùng ĐBSCL

Để thuận lợi cho việc tổ chức lãnh thổ, quản lý thích ứng với tai biến thiên nhiên, cần thiết phải thành lập bản đồ phân vùng cảnh quan trên cơ sở nhóm gộp các đơn vị cảnh quan có sự đồng nhất tương đối về một yếu tố trội nào đó, thành các tiểu vùng cảnh quan. Yếu tố trội có thể là điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, phương thức khai thác lãnh thổ, các tai biến thiên nhiên hay môi trường. Đây là cơ sở để lựa chọn mô hình điều tra, phân tích sâu và đề xuất các giải pháp quy hoạch lãnh thổ, quản lý thích ứng với BĐKH và tai biến thiên nhiên.

Sau khi xây dựng bản đồ phân kiểu và phân vùng cảnh quan, giai đoạn tiếp theo là điều tra mô hình kinh tế nông hộ hiện trạng. Trước tiên, cần xem xét mô hình đó gồm những hợp phần nào (ruộng, vườn, ao, chuồng, đầm nuôi…), tổng thể tạo nên kết cấu mô hình kinh tế sinh thái quy mô nông hộ. Tiếp đó là điều tra cụ thể từng hợp phần: loại hình canh tác/sản xuất, chu kì sản xuất/canh tác, ngắn hạn hay dài hạn, có mang tính mùa vụ không, diện tích canh tác/sản xuất, thu- chi chi tiết các loại hình, điểm mạnh – hạn chế, rủi ro…  Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế, trình độ văn hóa giáo dục của chủ hộ, kiến thức bản địa của cộng đồng… cũng cần phải tìm hiểu. Có thể phân loại mô hình kinh tế nông hộ theo 3 kiểu: theo cơ cấu sản xuất và thành phần của mô hình; theo quy mô sản xuất và theo mức thu nhập.

Để đánh giá tính bền vững của một mô hình kinh tế sinh thái cần xem xét tổng hợp các chỉ tiêu về thích nghi sinh thái, chỉ tiêu về kinh tế xã hội, chỉ tiêu về bền vững môi trường và khả năng phục hồi, thích ứng với những tác động của BĐKH và NBD. Chỉ cần một chỉ tiêu không đạt cũng cần xem xét lại mô hình để có kiến nghị và giải pháp phù hợp. Cuối cùng, trên cơ sở đánh giá tổng hợp sẽ tiến hành đề xuất mô hình kinh tế sinh thái quy mô hộ gia đình phù hợp với đặc thù của từng tiểu vùng cảnh quan, trình độ sản xuất, quy mô sản xuất và khả năng nguồn vốn của chủ mô hình.

Không phải tất cả các mô hình kinh tế sinh thái đều có khả năng thỏa mãn được tất cả các chỉ tiêu, bởi vậy, đi kèm với các mô hình được đề xuất cũng cần có các giải pháp cải thiện mô hình theo hướng tiếp cạn quản lý thích ứng cho phù hợp với những biến đổi trong bản thân mô hình và các tác động bên ngoài.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: