Lưu lượng nước: Xem xét bổ sung “Lưu lượng nước là lượng nước chảy qua mặt cắt ngang sông/dòng chảy trong một đơn vị thời gian”. Mặt cắt lớn: Xem xét bỏ vì không cần thiết, chưa rõ ràng và không sử dụng trong TCVN. Mặt cắt ướt: Đề nghị sửa lại là “Diện tích mặt cắt ướt” để thống nhất với Mục 4. Ký hiệu và đơn vị đo. Độ sâu: Xem xét bổ sung “Độ sâu là khoảng cách từ mặt nước đến đáy sông theo phương thẳng đứng tại một vị trí xác định trong mặt cắt ướt”. Độ rộng: “Độ rộng là khoảng cách giữa hai bờ sông”
Đề nghị sửa lại là: “Độ rộng mặt nước” để thống nhất với Mục 4. Ký hiệu và đơn vị đo. Ngoài ra, Định nghĩa lại “Độ rộng mặt nước là khoảng cách từ mép nước trái sang mép nước phải theo hướng vuông góc với hướng nước chảy”.
- Cần thống nhất tên các yếu tố quan trắc ở Mục 4. Ký hiệu và đơn vị đo với các thuật ngữ, định nghĩa ở Mục 3.
- Xem xét để thống nhất các Thuật ngữ và định nghĩa (khoản 3) với các khái niệm, thuật ngữ tại Dự thảo TCVN “Các yếu tố Khí tượng Thủy văn - khái niệm, thuật ngữ, ký hiệu và đơn vị đo” và thuật ngữ, định nghĩa tại Dự thảo TCVN “Quan trắc khí tượng thủy văn phần 9 - Quan trắc lưu lượng nước sông vùng ảnh hưởng thủy triều”.
Tại khoản 5. Kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị: Đây là TCVN về quan trắc lưu lượng nước không phải quan trắc mực nước và nhiệt độ nước. Vì vậy, cần viết lại cho phù hợp.
Tại khoản 6. Độ chính xác trong quan trắc lưu lượng nước: Xem xét làm rõ hơn “Thời gian đo tốc độ, thời gian đo lưu lượng nước lấy chính xác đến 1 giây” và ”Thời điểm đo lưu lượng nước lấy chính xác đến 1 phút” là như thế nào? Ngoài ra, không nên quy định về thời gian đo tốc độ và thời gian, thời điểm đo lưu lượng nước mà chỉ cần quy định về độ chính xác của đo tốc độ và độ chính xác của đo lưu lượng nước là đủ.
Tại khoản 7. Phương tiện và thiết bị quan trắc lưu lượng nước: Trước khi đưa ra các quy định trong khoản này cần bổ sung giải thích hoặc quy định cụ thể các phương tiện và thiết bị quan trắc lưu lượng nước gồm những thiết bị, phương tiện gì?
Tại khoản 8.1. Nguyên tắc chung: Đề nghị bỏ khoản này vì không rõ ràng và không cần thiết.
Tại khoản 8.2. Phương pháp đo thể tích: Đề nghị bỏ phương pháp đo thể tích vì không quy định rõ phương pháp đo thể tích như thế nào?
Tại khoản 8.3. Phương pháp đo mặt cắt và tốc độ nước: Cần bố cục lại trình tự như Quy phạm 94 TCN 3- 90 sẽ dễ hiểu và đầy đủ hơn. Ngoài ra, xem xét chỉnh sửa như sau: Tại Mục 8.3.2.1. Đo thủ công: - Tại điểm a: Có quy định: “Khi tốc độ dòng nước ≤ 1,00 m/s thì đo mặt cắt cùng lúc với đo tốc độ nước; Khi tốc độ dòng nước lớn hơn 1,00 m/s hoặc cường suất mực nước ≥ 0,50 m/h thì đo mặt cắt trước hoặc sau đo tốc độ”. Xem xét lại chỉ nên quy định đo độ sâu (không phải mặt cắt) theo tốc độ dòng nước hoặc cường suất mực nước; Tại điểm d: Có quy định “Tại mỗi thủy trực đo sâu, tối thiểu phải đo hai lần. Giá trị lần đo sau so với lần đo trước không chênh lệch nhau quá 5%. Nếu chênh lệch lớn hơn phải đo lại”. Cần bổ sung thêm “Độ sâu tính toán là trung bình cộng độ sâu của hai lần đo đó”. Tại điểm đ (Đo độ rộng): Không có quy định đo độ rộng như thế nào? Có cần thiết phải quy định đo độ rộng không? Tại điểm e. Tính diện tích mặt cắt: Đề nghị viết lại theo Quy phạm 94 TCN 3- 90 sẽ dễ hiểu và rõ hơn. Tại khoản 8.3.3.2. Thủy trực đo tốc độ: Phần bố trí thủy trực đo tốc độ cần viết lại theo Quy phạm 94 TCN 3- 90 sẽ đầy đủ hơn.
Tại khoản 8.3.3.3. Thủy trực đại biểu đo tốc độ: Xem lại công thức tính sai số quân phương của phương pháp đồ giải bị sai. Ngoài ra, đối với vùng sông không ảnh hưởng thủy triều có cần thiết phải quy định tính tương quan và sai số quân phương giữa tốc độ đo được tại thủy trực đại biểu với tốc độ trung bình mặt cắt không? Mà nên quy định số đường thủy trực cơ bản đo tốc độ, cũng như phương án giảm điểm, giảm đường khi xây dựng phán án đo đơn giản và đo lũ cao như trong Quy phạm 94 TCN 3- 90 sẽ đầy đủ hơn.
Tại khoản 8.3.3.4:
+ Điểm a1. Bố trí điểm đo tốc độ trên thủy trực: Bố trí điểm đo tốc độ trên thủy trực: Sửa lại là “Căn cứ vào độ sâu thủy trực” và thay chữ “h” bằng chữ “độ sâu thủy trực.
+ Điểm a2. Thời gian đo tốc độ tại một điểm: Chỉ cần quy định “Thời gian đo tốc độ bằng lưu tốc kế tại mỗi điểm không nhỏ hơn 100 giây” là đủ, vừa đảm bảo ổn định và vào mùa kiệt đối với trạm có thủy trực tốc độ quá nhỏ sẽ có đủ thời gian để đo.
+ Điểm a3. Tính tốc độ trung bình thủy trực: Đối với tính Vtb khi đo theo phương pháp 1 điểm cần viết lại như trong Quy phạm 94 TCN 3- 90 sẽ đúng và đầy đủ hơn.
+ Cần bổ sung quy định số lần đo tốc độ dòng nước cho các loại trạm theo các chế độ thủy lực khác nhau.
+ Tại điểm b. Đo tốc độ nước bằng phao nổi: Không rõ tính lưu lượng nước toàn mặt ngang như thế nào? Đề nghị viết lại toàn bộ nội dung này như trong Quy phạm 94 TCN 3- 90 sẽ đúng và đầy đủ hơn.
+ Tại điểm c. Đo tốc độ nước bằng phao chìm: Không rõ tính lưu lượng nước khi đo băng phao chìm như thế nào?
Cần bổ sung quy định trình tự đo tốc độ dòng nước bằng lưu tốc kế để dễ thực hiện và thống nhất với đo tốc độ bằng phao nổi và phao chìm.
Các quy định kỹ thuật về chế độ quan trắc cũng như yêu cầu kỹ thuật về đo tốc độ bằng phao đưa vào phần chính của TCVN (không đưa vào phần phụ lục).
Nhìn chung: Các quy định kỹ thuật trong dự thảo TCVN cần bố cục trình tự, quy định như trong Quy phạm 94 TCN 3- 90 và đánh dấu các tiểu mục hợp lý hơn để dễ hiểu và tiện theo dõi, phân biệt, cụ thể như sau:
- Quy định rõ từng nội dung: Vị trí đo, thời gian đo, phương pháp đo,…
- Bố cục đo đạc trước (đo mực nước, đo sâu, đo tốc độ,…) tính toán sau (tính độ sâu, tính diện tích, tính tốc độ,…).
Tin: Thành Công - Vụ KHQT