Nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Đăng ngày: 25-02-2020 | Lượt xem: 901
Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện trọng đại và những ngày lễ lớn của đất nước, như kỷ niệm: 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt nam; 75 năm ngày Quốc khánh; 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội khoá XV...

Để hưởng ứng phong chào thi đua yêu nước chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước, trên cơ sở Quyết định số 91/QĐ-BTNMT ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (KTTV) xây dựng Chương trình công tác nhằm thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và Chiến lược 10 năm 2011-2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030. Phát triển và nâng cao một bước chất lượng công tác quan trắc, thông tin dữ liệu, dự báo, cảnh báo KTTV và giám sát biến đổi khí hậu phục vụ hiệu quả sự nghiệp phòng chống thiên tai, phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước, đảm bảo quốc phòng và an ninh; thực hiện tốt phương châm hành động của năm 2020 của Chính phủ là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả". Chương trình công tác năm 2020 đề ra tiến độ, giải pháp để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 của Tổng cục KTTV, bám sát phương châm hành động của Ngành KTTV "Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy - Kịp thời".

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Nâng cao chất lương, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục triển khai thực hiện Luật KTTV, Luật phòng chống thiên tai (PCTT) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ban hành các văn bản pháp quy dưới luật để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTTV nhằm thực hiện đầy đủ các quy định của Luật KTTV và tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy Ngành KTTV phát triển. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về KTTV tại các đơn vị, địa phương.

2. Chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo, cảnh báo KTTV

- Theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời, sát diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo và cấp độ rủi ro thiên tai cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo PCTT.

- Đổi mới công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận theo Tổ chức Khí tượng thế giới là dự báo tác động của KTTV đến các ngành nghề như nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, y tế, du lịch... để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Bản tin dự báo thời tiết được thể hiện chi tiết đến từng thành phố, thị xã trên toàn quốc. Theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời, sát diễn biến các hiện tượng KTTV nguy hiểm như: áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nước dâng, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai.

- Tiếp tục đa dạng hóa các bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV và hải văn phục vụ quốc phòng - an ninh, kinh tế và đời sống; cải tiến nội dung các bản tin dự báo để ngày càng phục vụ tốt hơn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống dân sinh và cộng đồng; hướng đến dự báo điểm cho các thành phố, thị xã, thị trấn đông dân cư,…

 - Tiếp tục đầu tư bằng nguồn NSNN hệ thống dự báo KTTV hiện đại, đồng bộ về trang thiết bị máy móc, kỹ thuật, công nghệ và các mô hình dự báo tiên tiến để các bản tin cảnh báo, dự báo KTTV có độ tin cậy ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á. Tăng cường các nghiên cứu, phát triển công nghệ dự báo cực ngắn và phục vụ địa phương. 

3. Theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của mạng lưới trạm KTTV quốc gia trên toàn quốc. Chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trên mạng lưới nhằm đảm bảo chất lượng điều tra cơ bản (ĐTCB), hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trắc KTTV phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV năm 2020.

Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020 "Tập trung hiện đại hoá, tự động hoá trong đo đạc quan trắc phục vụ dự báo", thực hiện xã hội hoá trong phát triển mạng lưới quan trắc KTTV và tăng nguồn số liệu đo mưa, gió tự động phục vụ dự báo phòng chống thiên tai. Quản lý chặt chẽ hoạt động của mạng lưới trạm KTTV trên toàn quốc; chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trên mạng lưới nhằm đảm bảo chất lượng điều tra cơ bản về KTTV.

Tiếp tục đầu tư bằng nguồn NSNN, nguồn vốn xã hội hoá để phát triển đồng bộ mạng lưới trạm quan trắc KTTV, giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc định vị sét theo hướng tự động, truyền số liệu thời gian thực; nâng cấp, hiện đại hoá mạng lưới khí tượng cao không; ưu tiên phát triển mạng lưới trạm KTTV các vùng ven biển, hải đảo và vùng núi cao theo Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016. Tăng cường số liệu KTTV trên đất liền và số liệu quan trắc bão trên biển với hệ thống các trạm phao, lắp đặt các trạm đo trên giàn khoan, cột BTS của các mạng viễn thông, các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp thông qua thực hiện cơ chế xã hội hóa.

4. Chỉ đạo các đơn vị đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống máy chủ, các hệ thống thông tin chuyên ngành KTTV liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Thu thập, xử lý, lưu trữ bảo đảm chất lượng công tác thẩm tra, chỉnh lý tài liệu; bảo đảm tuyệt đối an toàn tài liệu lưu trữ; truyền thông tin số liệu, dữ liệu KTTV đầy đủ, chính xác phục vụ dự báo và công tác chỉ đạo PCTT cho các cấp, các ngành và các địa phương. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng các hệ thống mạng thông tin theo hướng hiện đại, tích hợp, thống nhất, đồng bộ và tự động; xây dựng kho dữ liệu KTTV hiện đại; nghiên cứu, triển khai thiết lập hệ thống thông tin KTTV qua vệ tinh. Tăng cường khai thác và sử dụng thông tin KTTV phục vụ sản xuất, kinh doanh và xã hội.

5. Nghiên cứu, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy và lãnh đạo các đơn vị theo cơ cấu tổ chức của Tổng cục KTTV. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về KTTV nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo KTTV. Thực hiện hiệu quả Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021.

6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính và đổi mới cơ chế nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả công tác.  

7. Tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ: tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; cung cấp thông tin phục vụ di dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan dự báo KTTV và các địa phương để chủ động, nâng cao hiệu quả công tác PCTT; tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động trong PCTT nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: