Nguyên nhân và Hạn chế
Các nghiên cứu mới tập trung vào mảng nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn. Các nghiên cứu phục vụ về điều tra cơ bản, quan trắc, thông tin dữ liệu còn hạn chế, đặc biệt là các nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Các nghiên cứu về dự báo khí tượng thủy văn vẫn chủ yếu khai thác, ứng dụng các mô hình của nước ngoài để nghiên cứu cải tiến cho phù hợp với điều kiện Việt Nam còn khó khăn do chưa có điều kiện nghiên cứu cơ chế vật lý trong các mô hình. Đến thời điểm hiện tại chưa có các mô hình dự báo chuyên dụng cho Việt Nam.
Mặc dù chất lượng dự báo từ các mô hình toàn cầu được cải thiện hàng năm, tuy nhiên đối với chất lượng dự báo mưa còn hạn chế, đặc biệt trong bài toán cung cấp dự báo chi tiết định lượng tại các điểm trạm và trên các lưu vực sông trong bài toán dự báo thủy văn. Chỉ số kĩ năng đối với dự báo mưa định lượng của các mô hình khu vực khi hạ quy mô động lực từ các mô hình toàn cầu còn thấp (ví dụ đánh giá tại trạm quan trắc đối với biến dự báo mưa tích lũy ngày
ở hạn 24h chỉ đạt khoảng 25-30% đối với các trường hợp mưa lớn xảy ra) và không có sự khác biệt nhiều đối với sản phẩm toàn cầu xuất phát từ hai nguyên nhân chính gồm năng lực tính toán trong giai đoạn 2010-2018 còn thấp (chưa đáp ứng được việc cung cấp sản phẩm phân giải cao dưới 10km trong nghiệp vụ) và khả năng đồng bộ hóa dữ liệu quan trắc cùng việc cập nhật đồng hóa các loại số liệu quan trắc của Việt Nam cho các mô hình khu vực còn hạn chế (cả về mặt làm chủ công nghệ tiền xử lý mô hình, công nghệ đồng hóa số liệu, các quan trắc chi tiết để kiểm nghiệm, hiệu chỉnh những cơ chế liên quan đến vật lý mây, mưa trong các hệ thống mô hình khu vực ứng dụng tại Việt Nam).
Về công nghệ đồng hóa số liệu đã thực hiện thiết lập được các công nghệ đồng hóa 3 chiều, tuy nhiên kết quả thử nghiệm chưa thấy rõ được những hiệu quả mà đồng hóa số liệu mang lại. Nguyên nhân do sự hạn chế về năng lực, về quan trắc đã qua kiểm soát chất lượng và những hiểu biết/thử nghiệm chuyên sâu về vai trò của sai số mô hình trong việc truyền thông tin quan trắc trong bài toán đồng hóa chưa được thực hiện một cách triệt để, đây cũng là nguyên nhân hạn chế trong các bài toán dự báo định lượng mưa, các dự báo bất thủy tĩnh, mô hình phân giải cao.
Nghiên cứu dự báo KTTV phục vụ hoạt động chuyên ngành trong sản xuất và phát triển của các ngành kinh tế quốc dân (như nông nghiệp, lâm nghiệp, hải sản, thuỷ lợi, thuỷ điện, giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không, công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng, năng lượng than, dầu khí, an ninh quốc phòng, văn hoá du lịch,v.v….) còn hạn chế.
Hạn chế về công tác quản lý: Cơ chế quản lý tài chính và cấp phát kinh phí hàng năm còn chậm và ít so với tiến độ thực hiện.
Hạn chế về năng lực cán bộ và năng lực tính toán nhất là các Đài KTTV khu vực không đáp ứng được với một số công nghệ được chuyển giao.
Cho đến thời điểm hiện tại nhiều phần mềm/công nghệ dự báo cần được nâng cấp cho phù hợp với sự phát triển công nghệ và phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Các QCVN đã được công bố còn nhiều nội dung quy định chưa đúng với yêu cầu của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn và đang tiếp tục được rà soát để sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Giải pháp
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo và dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực KTTV. Chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học cho tổ chức và cá nhân. Củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học và cơ sở vật chất để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu và triển khai, phục vụ tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước, phòng chống thiên tai và phục vụ phát triển KT-XH bền vững. Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng/cải tiến công nghệ cao trong các hoạt động điều tra cơ bản, thông tin, dự báo.v.v..
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN nhằm tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ từ nước ngoài trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về KTTV; Tăng cường chuyển giao công nghệ, tận dụng công nghệ tiên tiến, các thế mạnh của các nước trên thế giới trong lĩnh vực KTTV để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong nước, từng bước nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và ứng phó với thiên tai cực đoan.
Tăng cường trao đổi, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đủ trình độ hợp tác với các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Úc, Phần Lan v.v.. và sẵn sàng tiếp nhận công nghệ chuyển giao; chia sẻ thông tin KTTV, vận hành hồ chứa trên các sông xuyên biên giới.
Tiếp tục tập trung vào các hướng nghiên cứu còn hạn chế:
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo bão, dự báo định lượng mưa chuyên dụng của Việt Nam;
- Nghiên cứu xây dựng công nghệ đồng hóa số liệu cho mô hình dự báo tiết phân giải cao;
- Nghiên cứu xây dựng các mô hình dự báo thủy văn hiện đại, hệ thống mô hình kết hợp khí tượng -thuỷ văn - hải văn để dự báo bão, lũ, lũ lớn, lũ quét, xâm nhập mặn, sạt lở đất, đá, sạt lở bờ sông, sóng, nước dâng, triều cường .v.v.. phục vụ quy trình vận hành liên hồ, các hoạt động kinh tế, xã hội, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục sự cố trên biển.
- Nghiên cứu, xây dựng hệ thống bộ các công cụ tích hợp; chi tiết hóa các loại hình bản tin khí tượng thủy văn, hải văn; đa dạng hóa các sản phẩm dự báo, các lớp thông tin khí tượng thủy văn, hải văn theo nhu cầu phục vụ phòng chống thiên tai ở các địa phương và phục vụ các hoạt động chuyên ngành;
- Nghiên cứu phát triển hệ thống dự báo điểm; thiết lập hệ thống đánh giá thời gian thực.
- Nghiên cứu, đánh giá và xây dựng bộ công cụ chuẩn hóa, kiểm tra chất lượng số liệu, khai thác hiệu quả các nguồn số liệu (số liệu trạm tự động, số liệu vệ tinh, ra đa,v.v…) phục vụ dự báo định lượng mưa, dự báo bão, v.v….
- Phát triển công cụ kiểm tra, giám sát và chuẩn hóa mạng lưới tự động đảm bảo quy trình khai thác, quản lý thống nhất, hiệu quả; hệ thống tính toán, xử lý thông tin và hiển thị sản phẩm, ứng dụng công nghệ bigdata.
Tin: Phương Thanh - Vụ KHQT