Phát triển bền vững - lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp

Đăng ngày: 15-11-2016 | Lượt xem: 1199
(TN&MT) - Phát triển bền vững là xu thế tất yếu hiện nay trên toàn cầu. Đối với doanh nghiệp, đây là cơ hội để bứt phá trong bối cảnh việc phát triển dựa vào nguồn tài nguyên và sử dụng...

Phát triển bền vững - con đường duy nhất của DN

Đây là khẳng định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển Bền vững Việt Nam lần thứ 3, do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Theo ông Lộc, nền kinh tế toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch từ mô hình kinh tế truyền thống sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Ở đó, mọi hoạt động sản xuất được thực hiện theo một chu trình khép kín, không chỉ nhằm giảm thiểu mọi tác động tiêu cực tới môi trường mà còn bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Điều này đồng nghĩa với việc một DN chỉ đơn thuần tạo ra lợi nhuận chưa đủ điều kiện để được gọi là “DN bền vững”. Một DN bền vững phải có cả sự công nhận từ những nhân viên, người lao động, các đối tác và cộng đồng xã hội. Đây mới chính là giấy thông hành của doanh nghiệp để phát triển cùng đất nước, vươn ra thế giới.

Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hoạt động trong môi trường kinh doanh toàn cầu với những chuẩn mực khu vực và quốc tế. Ảnh: Hoàng Minh

Hiện nay nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã nhận thức được điều này và không ngừng cải tiến để hướng tới phát triển bền vững. Vì vậy, chỉ 1 năm sau ngày Việt Nam cùng 192 nước thành viên Liên Hợp Quốc thông qua 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và ký Thỏa thuận Paris đã có 100 DN được VCCI xếp hạng doanh nghiệp bền vững của Việt Nam. Bảng xếp hạng là sự ghi nhận của Chính phủ, Bộ, Ban, ngành và xã hội về đóng góp của những DN tiên phong vì sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết: Các doanh nghiệp này được lựa chọn ra từ 400 doanh nghiệp và đã đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí: kinh tế, xã hội và môi trường của Bộ Chỉ số bền vững của DN. Bảng xếp hạng là sự ghi nhận của Chính phủ, Bộ Ban ngành và xã hội về đóng góp của những DN tiên phong vì sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

“Chúng tôi cũng khảo sát về mức độ sẵn sàng triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả là, 82,9% doanh nghiệp đã biết tới SDGs, trong đó 90,7% doanh nghiệp có kế hoạch triển khai SDGs thông qua chiến lược hoạt động của mình, đặc biệt là các SDGs đã được quốc gia hoá cho Việt Nam. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp rất quan tâm đến Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam” – ông Vinh nhấn mạnh.

Đón đầu thực hiện Thỏa thuận Paris

Cũng tại Diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã khẳng định: DN chính là lực lượng xung kích trong đổi mới sáng tạo, hướng đến kinh tế xanh, sạch. Thực hiện tốt điều này, doanh nghiệp không chỉ làm tròn trách nhiệm mà còn khai phá những cơ hội kinh doanh tiềm năng mà Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mang lại.

Bộ trưởng cho biết, theo lộ trình thực hiện Thỏa thuận Paris, Việt Nam tiếp tục các hoạt động ứng phó với BĐKH và chuẩn bị về mặt pháp lý, nguồn lực để đến 2020 sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thoả thuận Paris quy định. Các DN, với vai trò là những “tế bào” của nền kinh tế cần tiến hành “xanh hóa” sản xuất thông qua sắp xếp lại cơ cấu, đặc biệt hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng những lợi thế của năng lượng tái tạo. Ngày 3/11 vừa qua, Chính phủ đã ký Nghị quyết phê duyệt Thỏa thuận Paris, càng khẳng định quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là nghĩa vụ bắt buộc cắt giảm khí nhà kính từ sau năm 2020. Dù muốn hay không, doanh nghiệp cũng sẽ phải điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu từ ràng buộc pháp lý mang tính toàn cầu này.

Trong bối cảnh quốc gia đang tích cực hội nhập sâu rộng, DN Việt Nam sẽ có cơ hội hoạt động trong môi trường kinh doanh toàn cầu với những chuẩn mực khu vực và quốc tế, luật chơi chung công bằng. TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng: Đây là cơ hội lớn, và để nắm bắt được, DN Việt Nam cần phải thay đổi. Sự thay đổi và chuẩn bị không chỉ là xem xét lại chiến lược kinh doanh, tìm hiểu kỹ khách hàng và thị trường, cố gắng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ phù hợp, có chất lượng, mà còn là thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tuân thủ văn hóa doanh nghiệp về liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khác từ cộng đồng và xã hội.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: