Tình hình đối tượng quy chuẩn kỹ thuật trong nước và ngoài nước
Từ trước đến nay, hệ thống văn bản pháp quy kỹ thuật về KTTVchủ yếu được xây dựng dưới hình thức các quy phạm (Tiêu chuẩn ngành). Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 12 năm 2006 và Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã quy định đối các Tiêu chuẩn ngành lĩnh vực KTTV cần chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), đồng thời phải đẩy mạnh công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về KTTV nhằm tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển toàn diện ngành khí tượng thủy văn Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động khí tượng thủy văn. Trước năm 2018, đã ban hành 06 QCVN và chưa ban hành TCVN. Các QCVN bao gồm:
- Quy chuẩn về Mã luật khí tượng bề mặt (QCVN 16:2008/BTNMT);
- Quy chuẩn về Mã luật khí tượng nông nghiệp (QCVN 17: 2008/BTNMT);
- Quy chuẩn về dự báo lũ (QCVN 18: 2008/BTNMT);
- Quy chuẩn về Quan trắc khí tượng (QCVN 46: 2012/BTNMT);
- Quy chuẩn về Quan trắc Thuỷ văn (QCVN 47: 2012/BTNMT);
- Quy chuẩn về mã luật khí tượng trên cao và ra đa thời tiết;
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo lũ (QCVN 18:2019/BTNMT)
Từ tháng 3/2018 sau khi thành lập Tổng cục KTTV, hoạt động xây dựng TCVN, QCVN đã được đẩy mạnh theo chức năng của Tổng cục. Năm 2018, Tổng cục KTTV đã trình ban hành 06 TCVN liên quan chủ yếu đến công tác quan trắc.
Mặt khác, ngành KTTV đang được đầu tư mạnh mẽ về công nghệ quan trắc, truyền tin, xử lý và tính toán phục vụ công tác dự báo, cảnh báo. Do đó, các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn ngành đã bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được thực tế công tác khí tượng thủy văn. Vì vậy, trong giai đoạn tới cần tiếp tục chuyển đổi các văn bản trước đây theo Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với sự thay đổi về công nghệ, tiếp cận trình độ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đối với công tác dự báo bão và áp thấp nhiệt đới có được đề cập trong Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ được Thủ tướng Chính phủ ban hành lần đầu vào năm 1997, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2006 và năm 2011 và Quy chế Dự báo, cảnh báo thiên tai trên biển được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2009. Triển khai Luật phòng, chống thiên tai được Quốc hội thông qua năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai thay thế cho các Quy chế nêu trên vào năm 2014, sửa đổi vào tháng 03/2020 và Quyết định quy định về cấp độ rủi ro thiên tai.
Đối với quy định kỹ thuật về dự báo, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới. Thông tư số 41/2016/TT-BTNMT ngày 21/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm trong đó có bão, áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, trong Thông tư này chỉ có quy định 08 bước kỹ thuật cơ bản để ban hành bản tin dự báo, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới, trong khi đó các quy định chi tiết hơn về mặt kỹ thuật chưa thể hiện rõ (ví dụ về quy định số liệu phục vụ dự báo, quy định kỹ thuật về phân tích hiện trạng bão, áp thấp nhiệt đới,..). Do vậy, cần thiết phải xây dựng mới Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới.
Tổ chức Khí tượng Thế giới đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về chương trình xoáy thuận nhiệt đới (The WMO Technical Regulations -WMO Publication No. 1996) năm 2008 trong đó có báo cá số No.TCP-23 là Tiêu chuẩn kỹ thuật về các hoạt động liên quan đến bão và áp thấp nhiệt đới. Tiêu chuẩn kỹ thuật do WMO ban hành nhằm đảm bảo tính đồng nhất và tiêu chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật trong các hoạt động liên quan đến bão và áp thấp nhiệt đới, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu cụ thể ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau.
Ngoài ra, tại một số quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển, các quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực khí tượng, đặc biệt là bão và áp thấp nhiệt đới cũng được biên soạn, ban hành và sử dụng. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về dự báo, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới tại các quốc gia thường khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện phát triển khoa học công nghệ của quốc gia đó.
Tại Hoa Kỳ, năm 2019, Quy định nghiệp vụ về bão quốc gia số FCM-P12-2019 được ban hành trong đó quy định rất chi tiết các hoạt động liên quan đến dự báo, cảnh báo bão; trách nhiệm, quy định, phương pháp và tất cả hoạt động liên quan đến hỗ trợ dự báo, cảnh báo bão.
Tại các quốc gia ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có các quy định, quy trình kỹ thuật cụ thể hướng dẫn dự báo, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới.
Lý do và mục đích xây dựng QCVN
Sự ra đời của Luật KTTV đã tạo ra nhiều thay đổi liên quan trực tiếp đến ngành KTTV, đặc biệt trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTTV nói chung cũng như cụ thể trong đánh giá dự báo thủy văn. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTTV đã được sửa đổi và cập nhật đáp ứng Luật KTTV, nhiều các quy định kỹ thuật trước đây không còn phù hợp đã và đang được chỉnh sửa, bổ sung.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới. Trong khi đó, hiện nay có nhiều đơn vị thực hiện công tác dự báo, cảnh báo ngoài Tổng cục Khí tượng Thủy văn, công tác dự báo bão và áp thấp nhiệt đới chưa có các văn bản pháp lý ràng buộc và các quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo cung cấp thông tin dự báo phù hợp. Do đó, Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành sẽ góp phần hoàn chỉnh thêm một bước hệ thống hành lang pháp luật thúc đẩy sự phát triển toàn diện ngành khí tượng thủy văn Việt Nam nói chung và công tác dự báo, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới nói riêng, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới nhằm mục đích: Tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực dự báo bão và áp thấp nhiệt đới, Chuẩn hóa các quy định kỹ thuật về dự báo, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới, Tạo cơ sở pháp lý phục vụ quản lý dự báo, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới, Phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế
Vụ KHQT