Quảng Ninh: Ứng dụng KH&CN tiên tiến bảo vệ môi trường và giảm lãng phí tài nguyên

Đăng ngày: 14-11-2017 | Lượt xem: 1427
(TN&MT) - Quảng Ninh đã có nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, qua đó, góp phần bảo vệ môi...

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh để hiểu rõ hơn những quyết sách này.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết đôi nét về đặc thù môi trường của tỉnh Quảng Ninh hiện nay?

Ông Phạm Văn Cường: Môi trường tại Quảng Ninh trong những năm qua, đã được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, nước thải, khí thải và rác thải vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đối với nước thải, phần lớn từ hoạt động sản xuất kinh doanh chế biến than và nước thải sinh hoạt. Về khí thải, Quảng Ninh đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ các hoạt động sản xuất khai thác than, sản xuất xi măng, nhiệt điện. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường trong giao thông, vận tải gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại các đô thị, các khu dân cư.

Đối với rác thải, do tốc độ đô thị hóa cao, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ngày càng tăng nên lượng phát thải chất thải rắn sinh hoạt ngày càng lớn. Hầu hết các bãi rác trên địa bàn tỉnh đều là các bãi rác xử lý theo hình thức chôn lấp. Trải qua thời gian vận hành nhiều năm, các bãi rác này đã xuất hiện tình trạng quá tải, có nguy cơ trở thành các nguồn ô nhiễm môi trường và gây ô nhiễm mùi đối với môi trường không khí.

PV: Trước sức ép về môi trường và tài nguyên đang dần cạn kiệt, tỉnh Quảng Ninh đã có những điều chỉnh, lộ trình ra sao trong việc khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để bảo vệ môi trường và hạn chế thất thoát tài nguyên, thưa ông?

Ông Phạm Văn Cường: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 5/5/2012 “Về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020” và HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 236/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 về những chủ trương giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020. Các Nghị quyết đã đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm như: Áp dụng công nghệ tiên tiến và giám sát chất lượng môi trường; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các mô hình sản xuất sạch hơn trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; đầu tư phát triển các loại hình giao thông công cộng sạch và hiệu quả; cải thiện cơ cấu chất đốt ở nông thôn; ứng dụng công nghệ xử lý và tái tạo phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp; sử dụng tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở thương mại, sản xuất và thu hồi nhiệt thải trong các nhà máy, xí nghiệp.

Quảng Ninh đã quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời, ứng dụng công nghệ, trong đó, ưu tiên công nghệ cao, các mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến của các nước phát triển như Sáng kiến SATOYAMA (Nhật Bản) để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong lĩnh vực quản lý.

PV: Ông có thể cho biết một vài doanh nghiệp tiêu biểu trong ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường?

Ông Phạm Văn Cường: Trước tiên, đối với ngành than, tập trung đầu tư đổi mới và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chuyển dần từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò với công nghệ tiên tiến; áp dụng công nghệ mới trong khâu sàng tuyển, lắp đặt hệ thống băng tải ống vận chuyển than, hệ thống băng tải kín tránh gây ô nhiễm môi trường.

Còn doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và khoáng sản khác, phải kể đến Công ty CP Viglacera Hạ Long đã điều chỉnh chất lượng nguyên liệu, lựa chọn tốc độ lò nung phù hợp; quản lý chất lượng nhiên liệu than, chất lượng dầu trong từng lò nung; thay đổi tỷ lệ phụ gia... nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm làm lợi cho Công ty nhiều tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền là đơn vị sử dụng công nghệ sản xuất gạch không nung với nguồn nguyên liệu tro bay, xỉ than từ các nhà máy xi măng, nhiệt điện; Công ty TNHH MTV Dầu thực vật Cái Lân đã cải tiến công nghệ trong sản xuất hạn chế phát sinh mùi trong quá trình hoạt động…

Quảng Ninh đang khuyến khích các sản phẩm nhân tạo thay thế cho sản phẩm tự nhiên như cát nhân tạo, gạch không nung… khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ứng dụng cộng nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường. Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, gần đây, không riêng gì Quảng Ninh, mà cả nước rất quan tâm tới các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nước ngoài và đặc biệt, sản xuất sạch, an toàn cho người tiêu dùng, thân thiện với môi trường.

Tỉnh đã có các chính sách ưu đãi về hệ thống đất đai để khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất, ngoài ra, còn nhiều chính sách hấp dẫn khác và tùy thuộc vào lĩnh vực doanh nghiệp quan tâm đầu tư sản xuất.

PV: Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ có những chính sách ưu đãi nào để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thất thoát tài nguyên?

Ông Phạm Văn Cường:

Quảng Ninh luôn khuyến khích đối với dự án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến sâu, tạo sản phẩm có giá trị bằng chính sách ưu đãi về thuế, về lãi suất vay vốn, về cơ sở hạ tầng…

Thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung xây dựng và ban hành nhiều văn bản quan trọng về cơ chế chính sách cho KH&CN như: Thành lập Quỹ Phát triển KH&CN Quảng Ninh, chính sách khuyến khích, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và thu hút nhân tài của tỉnh; ưu đãi, hỗ trợ đối với nhà đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Quảng Ninh... Cùng với đó, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực ứng dụng, chuyển giao KH&CN.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: