Sau đợt lũ lớn đầu tháng 12, chúng tôi trở lại thôn Phước Lộc Tây (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) - nơi được xem là rốn lũ ở Quảng Ngãi. Sông Trà Khúc hết lũ đã 4 ngày, nhưng đường làng, ngõ xóm vẫn ngập nước. Những người dân nuôi cá chình trên sông Trà cho biết, nhờ sáng kiến của ông Trần Kim Sanh, Trưởng Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè sông Trà Khúc, mà kỳ này chống lũ đỡ cực. Bằng kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn, ông Sanh đã mày mò và sáng chế ra những chiếc lồng bè nuôi cá bằng inox.
Những năm về trước, lũ thượng nguồn sông Trà Khúc đổ về cũng là lúc mọi người trong thôn Phước Lộc Tây kéo nhau ra sông, bất chấp nguy hiểm lao mình ra dòng lũ dữ, dùng dây buộc chặt các lồng bè nuôi cá làm bằng gỗ, tre, lưới… lại với nhau, nhằm níu giữ những con cá nuôi trong lồng. Nhưng nước lũ ở mức báo động 2 thì chống đỡ được, chứ lũ tiếp tục dâng cao và kéo dài thì lồng bè nuôi cá đều bị dòng lũ đánh tan hoặc cuốn trôi.
Chiếc lồng bè nuôi cá bằng inox do ông Trần Kim Sanh (Quảng Ngãi) sáng chế
Ông Sanh mày mò cải tiến từ lồng bè bằng khung tre, gỗ sang dùng khung inox với kích thước nhỏ hình chữ nhật, gọn, có thể tích 12m³ nước, mật độ thả 500 con cá/lồng. Thay vì dùng lưới, ông lắp ghép quanh khung lồng những tấm inox đã khoan sẵn nhiều lỗ nhỏ li ti để nước sông tràn vào bên trong lồng, tạo ôxy cho cá thở. Phía trên lồng cá, ông dùng tre, ván khép nối lại để phần bè nổi trên mặt nước và bỏ thức ăn cho cá.
Ngoài ra, ông Sanh còn dùng dây neo giữ lồng cá vào tận nhà, khi nước sông dâng đến đâu dây neo kéo giữ đến đó, lồng không bị trôi. Ông Sanh chi gần 25 triệu đồng/lồng bè, cao hơn lồng bè khung tre, gỗ khoảng 1,5 - 2 lần, nhưng lồng inox sử dụng bền lâu, không bị gỉ sét trong vòng hơn 10 năm. Hiện các hộ nuôi cá lồng ở thôn Phước Lộc Tây đều học cách làm lồng bè như ông Sanh và mọi người sắp thu hoạch vụ cá sau mùa bão lũ được mùa, giá cao.
Nếu như nhiều hộ trồng hoa buồn rầu, chẳng thèm ra đồng khi hoa trồng bán tết ngập chìm trong lũ, chết úng, thì người dân xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi lại đang tích cực trồng tỉa, đẩy mạnh chăm sóc vụ hoa tết.
Ông Nguyễn Đình A, xã Nghĩa Hà, chia sẻ, đối với người trồng hoa, công đoạn gieo hạt là khó nhất, vì nếu gặp mưa lũ sẽ bị ngập nước, cây con sẽ chết sạch; hơn nữa, giống cây sau mưa lũ thường khan hiếm, đắt đỏ mà trồng lại không kịp vụ tết. Để chủ động chống lũ, bà con đã làm giàn bằng khung tre, sau đó đổ đất lên trên, tránh ngập lụt để ươm hạt giống.
“Giàn làm bằng tre, lắp đặt cách mặt đất 1m, sử dụng qua nhiều vụ. Mỗi dàn rộng khoảng 4m² đan kết từ khoảng 25 cây tre trồng sau nhà có thể ươm giống đủ trồng 1 sào/hoa màu”, ông A nói…
Ở Thừa Thiên - Huế, một mô hình máy cảnh báo lũ 3 cấp độ bằng đèn cảnh báo xoay và chuông reo của Phan Thị Minh Trang và Hoàng Thị Diệu Huyền (học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Thế Lân, huyện Quảng Điền) vừa được ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế trao giải khuyến khích và một số doanh nghiệp đang xem xét để phối hợp sản xuất đại trà sản phẩm này.
Máy cảnh báo lũ được sáng chế bằng gỗ, có gắn 3 hộp đèn xoay, một công tắc điện cảm ứng tự chế, một nút nhấn tạm dừng. Hệ thống ấy kết nối với hệ thống phao có tiếp điện, tương ứng cho 3 mức báo động cấp 1, cấp 2 và cấp 3, điện cho sản phẩm hoạt động từ bình ắc quy kết nối qua áp-tô-mát. Ưu điểm của hệ thống báo lũ này là cấu tạo đơn giản, dễ dàng vận hành và lắp đặt, chi phí thấp (chưa đến 800.000 đồng), bằng 1/10 giá các sản phẩm báo lũ thông thường.
Ngoài ra, mô hình cảnh báo lũ có thể lắp đặt dễ dàng ở các vị trí sông, hồ, suối, các vị trí dễ dàng để mọi người có thể nhận biết tín hiệu một cách nhanh nhất. Thầy Hồ Danh, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thế Lân, cho biết: “Mô hình máy báo lũ 3 cấp bằng đèn báo và chuông của Huyền và Trang rất ý nghĩa. Nếu sớm áp dụng vào thực tế sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác và chủ động phòng chống lũ lụt hiệu quả”.
Nguồn: SGGP