Tại hội thảo này, giới chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu để xác định nguyên nhân chính và có những biện pháp can thiệp hiệu quả. Trước mắt, cần giảm bơm hút nước ngầm, tìm các nguồn nước thay thế phục vụ sinh hoạt cho người dân; đối với phát triển đô thị, cần có giải pháp quy hoạch, phân bố dân cư hợp lý để tránh tình trạng quá tải đô thị. Đối với nông nghiệp, cần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia cũng đề xuất việc xây dựng chính sách chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề như: Giảm thiểu khai thác nước ngầm, khai thác cát; tiếp cận công nghệ mới như tiết kiệm nước; áp dụng các biện pháp tích hợp với tiềm năng mở rộng quy mô.
Hiện nay, sụt lún đất, xói lở bờ biển và xâm nhập mặn là một trong những thách thức cấp bách nhất đối với vùng ĐBSCL. Về nguồn gốc vấn đề xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Sepehr Eslami Arab, chuyên gia về nước tại Hà Lan cho rằng, nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng xâm nhập mặn ở vùng châu thổ sông Mê Công hiện nay là do tác động của con người (xây đập chặn dòng nước, khai thác cát quá mức), nhưng đến năm 2050 biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò chính.
Tạp chí KTTV