Minh họa giảm thiểu hoạt động đốt rơm dạ
Hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch và chất thải rắn sinh hoạt trước khi vận chuyển đến các khu xử lý tập trung diễn ra phổ biến tại các địa phương làm phát sinh các loại khí thải như: CO2, CO, PM2.5, Nox, CH4, NH3, SO2... gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng môi trường không khí xung quanh, sức khỏe con người và hoạt động giao thông vận tải. Để kiểm soát các hoạt động này, đã có hệ thống văn bản pháp lý quy định việc xử lý các phụ phẩm cây trồng, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động trồng trọt, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt như: Khoản 7 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm “Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí”; Khoản 2 Điều 14 Luật Thủ đô ngày 21/11/2012 quy định về quản lý và bảo vệ môi trường thủ đô; Khoản 1 Điều 16 Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 04/4/2015 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt “Thực hiện việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”; Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm hành chính về hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc; Khoản 1 Điều 76 Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018 quy định “Phụ phẩm cây trồng phải được thu gom, xử lý, sử dụng phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường”; Thông tư số 19/2019/TT-BTNNPTNN ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng.
- Thực hiện quyết liệt các biện pháp để chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng trên địa bàn Thành phố.
- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại do đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định đến môi trường không khí và sức khỏe con người; Nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và từng công dân trong công tác thực thi pháp luật, giám sát, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường Thủ đô.
- Các cấp, ngành, nhân dân Thủ đô chủ động xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể, thiết thực phấn đấu đến ngày 01/01/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn Thành phố.
Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể triển khai, thực hiện Chỉ thị tại địa phương theo lộ trình thực hiện như sau:
1) Thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương; Xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rác thải rắn sinh hoạt tại địa bàn; Hợp đồng chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm các đơn vị nhận đặt hàng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn; Tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định hiện hành và triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn;
2) Đến ngày 30/9/2020: Tổ chức tuyên truyền thông báo đến mọi tầng lớp dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của Thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo các quy định hiện hành; Đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý;
3) Đến ngày 31/12/2020: Thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trước ngày 31/12/2020;
4) Từ ngày 01/01/2021:
- 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; Không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố;
- Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng;
- Nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thành phố nhằm kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương về tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng diễn ra trên địa bàn quản lý.
Vụ KHQT