Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020 và 05 năm giai đoạn 2016-2020

Đăng ngày: 26-08-2020 | Lượt xem: 2846
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên

1. Đánh giá tình hình triển khai phân bổ, giao dự toán và thực hiện dự toán NSNN 7 tháng đầu năm, dự kiến cả năm 2020 theo từng lĩnh vực chi được giao. Đánh giá tình hình triển khai thực hiện chính sách, biện pháp trong phòng chống, dịch Covid-19 (Nghị quyết số 37/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định số 437/QĐ-TTg, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020) và hỗ trợ kinh phí phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai (mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn), dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid -19).

2. Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, dự án lớn trong 7 tháng, dự kiến cả năm 2020; giai đoạn 2016-2020; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý về cơ chế, chính sách trong tổ chức thực hiện, cụ thể:

a) Đối với các chế độ, chính sách: Đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách, chế độ; rà soát, xác định các nhiệm vụ, chính sách, chế độ kết thúc; kiến nghị bổ sung, sửa đổi các nhiệm vụ, chính sách, chế độ không phù hợp với thực tế.

b) Đánh giá tình hình thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên do tác động của đại dịch Covid-19 (cắt giảm tối thiểu 70% dự toán kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại; 10% dự toán chi thường xuyên còn lại các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, bao gồm cả kinh phí thực hiện các đề án mua sắm chưa thực hiện) theo hướng dẫn của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ.

c) Thực hiện tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy: Kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm, ước cả năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020, chi tiết theo từng mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW), Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Ban Chấp hành Trung ương (Nghị quyết số 39-NQ/TW), Kết luận số 17-KL/TW ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Bộ Chính trị (Kết luận số 17-KL/TW) và các văn bản liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó chi tiết:

- Số giảm biên chế, giảm đầu mối tổ chức bộ máy từng năm;

- Số kinh phí NSNN tiết kiệm được do giảm biên chế, giảm tổ chức bộ máy từng năm, trong đó chi tiết số đã sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương.

- Số kinh phí phải bố trí từng năm từ NSNN để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 về chính sách tinh giản biên chế (Nghị định số 108/2014/NĐ-CP), Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế (Nghị định số 113/2018/NĐ-CP) và Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2015 quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

d) Thực hiện đổi mới khu vực sự nghiệp công:

- Kết quả sắp xếp, đổi mới hệ thống và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII (Nghị quyết số 19-NQ/TW), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công (Nghị định số 16/2015/NĐ-CP) và các Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp cụ thể trong 7 tháng đầu năm, ước cả năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020, chi tiết theo từng mục tiêu, từng năm (báo cáo số lượng đơn vị sự nghiệp công lập từng lĩnh vực, theo từng mức độ tự chủ, từng năm; tổng số thu sự nghiệp công từng lĩnh vực, từng năm; số NSNN chi hỗ trợ từng lĩnh vực sự nghiệp, từng năm, từng đơn vị; tổng số biên chế theo từng lĩnh vực sự nghiệp, từng năm; số lượng biên chế hưởng lương từ NSNN từng lĩnh vực sự nghiệp, từng năm).

- Đánh giá tác động của việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao khả năng tự chủ đến NSNN theo từng lĩnh vực, từng năm (số kinh phí dành ra và việc sử dụng); số giảm chi từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp theo từng lĩnh vực (sự nghiệp y tế, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp...) và việc sử dụng số kinh phí NSNN dành ra từ việc nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, chi tiết từng năm; các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.

đ) Đối với các chương trình, đề án, nhiệm vụ thường xuyên đã, đang thực hiện trong thời gian 2016-2020: Đánh giá việc phê duyệt, bố trí kinh phí, kết quả thực hiện so với mục tiêu, kế hoạch 05 năm giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ chuyển tiếp (nếu có); trong đó chi tiết theo từng nhiệm vụ, đề án theo quyết định giao nhiệm vụ và kinh phí thực hiện tương ứng; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị (nếu có).

e) Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020 và cả giai đoạn 05 năm 2016-2020 của các cơ quan hành chính nhà nước đang được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định hiện hành, chi tiết: quỹ lương (gồm lương ngạch bậc, các khoản đóng góp theo lương và lương đặc thù - nếu có), chi bộ máy, chi chuyên môn, nghiệp vụ; theo từng nguồn kinh phí (nguồn NSNN, nguồn phí được để lại, nguồn được trích lại qua công tác thanh tra, kiểm toán, nguồn thu nghiệp vụ); xác định các nhiệm vụ chi chuyên môn, nghiệp vụ chuyển tiếp - nếu có; gửi cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp.

g) Đối với các lĩnh vực sự nghiệp: đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020 và cả giai đoạn 05 năm 2016-2020 theo quy định hiện hành (chi tiết nguồn NSNN, nguồn thu sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vay và nguồn hợp pháp khác của đơn vị) theo từng lĩnh vực sự nghiệp; xác định các nhiệm vụ chi chuyên môn, nghiệp vụ chuyển tiếp; gửi cơ quan quản lý cấp trên, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp.

Tin KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: