Một số điểm nhấn của Hội nghị giao ban công tác 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2019 của Bộ TNMT

Đăng ngày: 15-10-2019 | Lượt xem: 890
Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định đây là một năm khó khăn, thách thức với nhiều nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ giao phải thực hiện (chưa kể những nhiệm vụ giao bổ sung). Tuy không phải mọi việc Bộ đều hoàn thành suôn sẻ nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị nên nhìn chung mọi việc đều có chuyển biến tích cực cả về tiến độ và chất lượng

Những kết quả tiêu biểu mà toàn ngành đã đạt được trong 9 tháng vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ đã tập trung chỉ đạo và xử lý trên 1400 dự án chậm triển khai; chuyển dịch 24,5 nghìn ha đất cho cho phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; nguồn thu từ đất trong 9 tháng đầu năm đạt trên 87 nghìn tỷ nghìn tỷ đồng (chiếm 10,55% thu ngân sách nội địa và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018); phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đạt đến nay đạt 9.000 tỷ đồng; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền là khoảng 3.467 tỷ đồng; triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phát huy các lợi thế của biển, giúp nhiều tỉnh khó khăn trước đây chuyển mình mạnh mẽ; chiến dịch chống rác thải nhựa đã phát huy nhiều hiệu quả khi nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các huyện, xã trong cả nước; công tác dự báo khí tượng thủy văn đạt được sự chính xác cao trong bối cảnh diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó đoán … Bên cạnh việc biểu dương những kết quả đạt được trong 9 tháng vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tập trung thảo luận thẳng thắn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để hoàn thành tốt nhiệm năm 2019 đã đề ra.

Công tác quản lý tài nguyên nước, trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ TN&MT tiếp tục triển khai công tác điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019); xây dựng nhiệm vụ và trình thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa sông Srêpốk. Tập trung xây dựng, hoàn thiện 04 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông: Đồng Nai, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Cả. Giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ, đến nay 100% đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện quy định về hạn chế khai thác nước dưới đất; chỉ đạo, đôn đốc,  kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Chỉ đạo điều tiết nguồn nước cho hạ du các hồ chứa lớn để giải quyết chống hạn; thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm đối với việc không thực hiện bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ theo quy trình liên hồ chứa. Đẩy mạnh kinh tế hoá, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đạt đến nay đạt 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2019 là 1.117 tỷ đồng.

Nội dung tham vấn đối với các Dự án thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mê Công và chủ động trong các đối sách của Việt Nam; xây dựng các giải pháp ứng phó phù hợp cho đồng bằng sông Cửu Long.

Triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phát huy các lợi thế của biển, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Đề án kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu; Đề án tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách Biển Việt Nam - Nhật Bản;...

Bộ TN&MT đã tập trung hoàn thiện thể chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn để tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, thiết lập hàng rào kỹ thuật phòng ngừa công nghệ lạc hậu chuyển dịch vào Việt Nam; Nâng cao chất lượng dự báo KTTV; làm tốt vai trò điều phối trong ứng phó, giảm nhẹ tác động của BĐKH; Thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác đo đạc và bản đồ, viễn thám; triển khai xây dựng hệ thống thông tin địa lý, siêu dữ liệu viễn thám phục vụ cho các hoạt động KT-XH.

Ngoài ra, theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong 9 tháng đầu năm Bộ phải trình Chính phủ 24 đề án; ban hành theo thẩm quyền 22 Thông tư. Đến nay, Bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 26 đề án, trong đó có 02 đề án giao bổ sung;  ban hành theo thẩm quyền 10 thông tư; 06 Thông tư còn lại đã hoàn thành việc thẩm định và đang tiếp thu giải trình để trình Bộ trưởng. Trong 9 tháng đầu năm, Bộ được giao và tiếp nhận 3.369 nhiệm vụ phải xử lý, trong đó: có 1.177 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, 2.192 nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao. Đến nay, Bộ đã hoàn thành: 2.838/3.369 nhiệm vụ, chiếm 84,24%, trong đó: Hoàn thành đúng hạn: 2.036 nhiệm vụ, chiếm 72%; Hoàn thành nhưng quá hạn 802 nhiệm vụ, chiếm 28%.

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: