Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đầu tiên tham gia vào sáng kiến toàn cầu mới của UNDP về Bảo hiểm và Rủi ro Quỹ Tài chính (IRFF). Nghiên cứu về tài chính rủi ro thiên tai đa chiều cho thấy, các chương trình bảo hiểm khác nhau có thể có khả năng giúp giảm thiểu tổn thất kinh tế do thiên tai tới 25% ở các nước nghèo nhất thông qua một loạt các công cụ tài chính rủi ro thiên tai, bao gồm bảo hiểm tham số, bảo trợ xã hội dựa trên bảo hiểm và các sản phẩm bảo hiểm thông qua bồi thường.
Tuy nhiên, tài chính rủi ro ở cấp độ toàn cầu và quốc gia còn ít được chú ý, đặc biệt ở các nước đang phát triển (bao gồm cả Việt Nam). Chưa đến 5% thiệt hại do thiên tai tại các quốc gia này có bảo hiểm chi trả, cách rất xa so với tỷ lệ hơn 50% ở các nước có thu nhập cao. Kết quả dẫn đến là chi phí y tế cũng như thiệt hại về kinh tế do tổn thất tài sản, sinh kế và sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng, tạo thêm gánh nặng cho xã hội.
Bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng: “Tài chính cho rủi ro thiên tai vẫn còn là khái niệm tương đối mới ở Việt Nam, nhưng cơ hội của loại hình bảo hiểm này rất lớn. Ngoài việc đặt các chính quyền địa phương và quốc gia vào vị thế mạnh mẽ hơn để lập kế hoạch ứng phó với thiên tai trước khi chúng xảy ra, một môi trường thuận lợi hơn cũng có thể hỗ trợ công tác phục hồi và ứng phó nhanh hơn, hiệu quả hơn khi thiên tai chắc chắn xảy ra”.
Thời gian tới, UNDP sẽ làm việc với Quỹ Giải pháp Bảo hiểm Khả năng phục hồi (ISF) và các đối tác trong ngành bảo hiểm toàn cầu để phát triển các sản phẩm bảo hiểm và tài chính rủi ro thiên tai mới nhằm giảm tác động tiêu cực của thiên tai cho các nước tham gia sáng kiến IRFF. Tại Việt Nam, bước đầu tiên là nghiên cứu tổng quan các lĩnh vực quan trọng liên quan đến nhau của bảo hiểm và tài chính rủi ro, giúp xác định rõ sự phát triển của bên cung cấp bảo hiểm.
Từ đó, các bên sẽ cùng xây dựng một bức tranh về nhu cầu bảo hiểm; xác định các thiếu hụt, khó khăn cũng như thuận lợi trong quá trình xây dựng một môi trường pháp lý, quy định và chính sách của chính phủ dành cho bảo hiểm rủi ro; đề xuất các cách thức xây dựng và tăng cường năng lực pháp lý liên quan; đánh giá tình hình tài chính của các công ty bảo hiểm; và đề xuất các cách tiếp cận phù hợp hướng tới phát triển các cơ hội thị trường mới cho bảo hiểm rủi ro. Hoạt động nghiên cứu cũng sẽ giúp xây dựng một hồ sơ thông tin về Việt Nam và cung cấp các kiến thức liên quan đến bảo hiểm bao trùm, như các thông tin và số liệu về nhân khẩu học, kinh tế xã hội và thực trạng ngành… phục vụ việc xây dựng các giải pháp bảo hiểm và chuyển giao rủi ro.
Vụ KHTC