Sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính phòng, chống Covid-19

Đăng ngày: 05-10-2021 | Lượt xem: 605
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) những tháng cuối năm 2021 dự báo gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách cho công tác phòng, chống Covid-19 là rất lớn. Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn lực tài chính này.

Theo Bộ Tài chính, số thu NSNN 8 tháng năm 2021 ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 74,8% dự toán. Đây được cho là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư làm nhiều tỉnh, thành phố có số thu ngân sách lớn phải giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến ảnh hưởng tới thu NSNN.

Trái ngược với tình hình thu ngân sách, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu với Chính phủ phải đảm bảo nguồn lực chi cho phòng, chống dịch, cũng như các giải pháp về tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Theo Báo cáo của Chính phủ, đến ngày 22/7, NSNN hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và chi cho công tác phòng, chống Covid-19 trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 là 168.800 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ đã được Quốc hội đồng ý dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 thêm 14.620 tỷ đồng từ khoản cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương để chi cho các hoạt động chống Covid-19.

Theo phương án của Bộ Y tế, với kịch bản có 200 nghìn người mắc Covid-19, nhu cầu kinh phí NSNN phải chi 45 nghìn tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế và thực hiện một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp có 300 nghìn người mắc, dự kiến nhu cầu kinh phí chi từ NSNN là khoảng 65,8 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, nhu cầu bổ sung kinh phí phòng, chống dịch trong các tháng cuối năm 2021 khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng (chưa kể số kinh phí phát sinh sau khi 2 Bộ tăng cường lực lượng chi viện cho một số tỉnh phía Nam để đảm bảo việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo quy định). Như vậy, nhu cầu tăng chi NSNN cho phòng, chống dịch Covid-19 theo các kịch bản khoảng 47 - 68 nghìn tỷ đồng.

Căn cứ khả năng thực hiện giải ngân những tháng cuối năm, nhất là mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch, dự kiến trong năm 2021, ngân sách Trung ương tăng chi và hỗ trợ cho các địa phương khoảng 25 - 30 nghìn tỷ đồng, trong đó, đã bổ sung cho Bộ Y tế là 5,1 nghìn tỷ đồng, số còn lại phải chi khoảng 20 - 25 nghìn tỷ đồng.

Đây là số chi rất lớn, đòi hỏi Bộ Tài chính phải có tính toán, cân đối các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng để có thêm nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch được đề ra là phải thực hiện triệt để tiết kiệm chi tiêu. Theo đó, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm việc cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong, ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; dành cho phòng, chống dịch Covid-19.  

Để tăng cường giám sát hiệu quả sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid-19, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9 cho ý kiến về Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết quả công tác năm 2021 và Kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần thêm trong Kế hoạch kiểm toán năm 2022 nội dung kiểm toán tính hợp lý, hiệu quả khi huy động, phân bổ, sử dụng tiết kiệm các nguồn lực phòng, chống Covid-19.

Vụ KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: