Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính

Đăng ngày: 10-02-2023 | Lượt xem: 1691
Ngày 31/01/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 06/TT-BTC về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 03 năm 2018 của Bộ Tài chính cụ thể như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là Thông tư số 36/2018/TT-BTC)

1. Sửa đổi tên khoản 2 và điểm b khoản 2 Điều 1 như sau:

“2. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:

b) Công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã)” .

2. Sửa đổi Điều 2 như sau:

“Điều 2. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng:

1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức đóng góp, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.

a) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, kinh phí do đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn tài chính của đơn vị; từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Trường hợp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nguồn kinh phí thực hiện theo các Chương trình, Đề án đó.

4. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.

5. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng khác áp dụng Thông tư này do cá nhân, nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác bảo đảm theo quy định của pháp luật”.

3. Sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi khoản 1 Điều 3 như sau:

“1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho CBCC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo khác) các nội dung: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm”;

b) Bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 3 như sau:

“4. Căn cứ phân loại đơn vị sự nghiệp công theo phương án tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường và khả năng tài chính; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được quyết định một số mức chi, nội dung chi theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

5. Trường hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện đấu thầu, đặt hàng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên”.

4. Bổ sung gạch đầu dòng cuối cùng điểm a khoản 3 Điều 4 như sau:

“- Các chi phí phát sinh trong trường hợp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa

+ Chi mua sắm, thuê thiết bị, phần mềm và các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa (phần mềm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; bài giảng, phần mềm mô phỏng, thiết bị phục vụ giảng dạy trực tuyến từ xa; chi phí đường truyền và các chi phí công nghệ thông tin khác);

+ Chi số hóa tài liệu và các chi phí khác phục vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa;”

5. Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 4 như sau:

“b) Trường hợp cơ quan, đơn vị được giao kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức nhưng không có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, không đủ điều kiện tự tổ chức lớp phải cử CBCC, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác thì cơ quan, đơn vị thanh toán cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng căn cứ hợp đồng ký kết giữa hai bên theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Trường hợp không đủ điều kiện hoặc không lựa chọn được đơn vị thực hiện dịch vụ thì cơ quan, đơn vị quyết định hỗ trợ trực tiếp cho CBCC, viên chức được cử đi học các khoản học phí, tiền mua giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc và các khoản chi phí bắt buộc khác phải trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng căn cứ thông báo, hóa đơn, chứng từ của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng”.

6. Bổ sung vào điểm i khoản 2 Điều 5 như sau:

“- Chi tạo lập mới hoặc thuê hệ thống phục vụ đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến từ xa

Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng CBCC căn cứ sự cần thiết quyết định việc mua sắm, thuê thiết bị, phần mềm và các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin theo phân cấp quản lý; tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu, chứng từ, hoá đơn, các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin;

- Chi số hóa tài liệu phục vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến từ xa: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông”.

 - Chi mua vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành đối với các lớp học cần sử dụng vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành”.

7. Sửa đổi điểm e, điểm l và điểm m khoản 2 Điều 5 như sau:

“e) Chi ra đề thi, coi thi, chấm thi:

Căn cứ mức chi ra đề thi, coi thi, chấm thi tại Điều 8 Thông tư số 69/2021/TT-BTC ngày 11 tháng 08 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông; thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức bồi dưỡng CBCC quyết định mức cụ thể và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Riêng đối với các giảng viên chuyên nghiệp làm nhiệm vụ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện quy đổi thời gian ra giờ chuẩn theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08 tháng 01 năm 2018 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, các văn bản bổ sung, sửa đổi (nếu có) và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành có liên quan.

l) Chi biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng mới; chi chỉnh sửa, bổ sung cập nhật chương trình, tài liệu bồi dưỡng:

Căn cứ quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị chủ trì biên soạn chương trình, giáo trình quyết định mức chi cho phù hợp với từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

m) Chi hoạt động quản lý trực tiếp các lớp bồi dưỡng CBCC của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng:

Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc cơ quan tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng CBCC được phép trích tối đa không quá 10% trên tổng kinh phí của mỗi lớp học và được tính trong phạm vi nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ để chi hoạt động quản lý trực tiếp các lớp bồi dưỡng CBCC quy định tại gạch đầu dòng thứ 14 điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

Kinh phí phục vụ quản lý lớp học không chi hết, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ quan tổ chức lớp bồi dưỡng được chủ động sử dụng cho các nội dung khác có liên quan phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ quan tổ chức lớp bồi dưỡng CBCC có trách nhiệm quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ về định mức chi quản lý và sử dụng khoản kinh phí quản lý lớp học đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước”.

8. Sửa lại tên và bổ sung gạch đầu dòng cuối cùng, điểm k khoản 2 Điều 5 như sau:

“Chi phí tổ chức đi khảo sát, thực tế theo yêu cầu của chương trình đào tạo do cấp có thẩm quyền ban hành.

- Chi thuê hội trường và các thiết bị đi kèm; tiền tài liệu, văn phòng phẩm, nước uống, thuốc y tế thông thường; thù lao, phụ cấp tiền ăn, phương tiện đi lại, thuê phòng nghỉ cho giảng viên, dịch thuật và các khoản chi cần thiết khác phục vụ khảo sát, thực tế (nếu có) theo quyết định đi khảo sát, thực tế của cơ sở đào tạo: thực hiện theo các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ, i khoản này”.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2023.

Vụ KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: