Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính

Đăng ngày: 30-09-2022 | Lượt xem: 2461
Ngày 16/09/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tư số 56/2022/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể các nội dung: Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; Phân loại mức tự chủ tài chính và giao quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; Phân phối kết quả tài chính trong năm của đơn vị sự nghiệp công; Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; Lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, quyết toán thu, chi kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; Chế độ báo cáo về tình hình tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công; Xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công.

Theo Bộ Tài chính, một số nội dung vướng mắc theo phản ánh của một số bộ, địa phương khi triển khai Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 56/2022/TT-BTC. Trong đó, Thông tư đã hướng dẫn cụ thể về cách xác định các khoản thu xác định mức độ tự chủ tài chính, các khoản chi xác định mức độ tự chủ tài chính và phân loại mức tự chủ tài chính, giao quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công.

Thông tư đã hướng dẫn cách xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên trong từng lĩnh vực (giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác). Trong Phụ lục kèm theo Thông tư cũng đã đưa ra các ví dụ về cách xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập để các đơn vị sự nghiệp công lập tham khảo khi xây dựng phương án tự chủ tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư số 56/2022/TT-BTC cũng quy định rõ thẩm quyền giao tự chủ tài chính của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Trong đó, đã quy định các trường hợp đặc thù như đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện, tỉnh; trực thuộc các tổ chức chính trị; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam. Đồng thời, đã hướng dẫn việc tạm trích các Quỹ và thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm trong năm đối với đơn vị nhóm 1, 2, 3; chi thu nhập tăng thêm và chi phúc lợi, khen thưởng đối với nhóm 4.

Về lập dự toán và phê duyệt dự toán mua sắm từ nguồn thu cung cấp hoạt động dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm cả nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định tại Chương IV Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và Chương IV Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính.

Theo đó, hàng năm các đơn vị lập dự toán thu, chi hoạt động dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước. Đối với dự toán thu, chi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ khác, cơ quan quản lý cấp trên không giao dự toán thu, chi cho các đơn vị sự nghiệp công.

Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định dự toán thu, chi trên cơ sở kế hoạch, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Về thẩm quyền phê duyệt dự toán mua sắm, thực hiện theo quy định về phân cấp về quản lý, mua sắm tài sản hiện hành (Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ, Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính).

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, nếu có khó khăn, vướng mắc do các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ sẽ nghiên cứu, giải quyết kịp thời và sửa đổi cho phù hợp.

Vụ KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: