Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019

Đăng ngày: 30-05-2019 | Lượt xem: 844
Tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ tình hình giải ngân vốn và làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn ODA, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019”. Tham dự Hội nghị có Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế và các cơ quan, các Ban Quản lý dự án sử dụng vốn ODA vay ưu đãi

Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước là 161.286,316 tỷ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39 so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cập nhật đến ngày 31/8/2019 mới giải ngân được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỷ đồng) và 15,7% kế hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo (40.735 tỷ đồng). Chi thường xuyên từ nguồn vốn nước ngoài 8 tháng đầu năm đạt 862 tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán Quốc hội phê duyệt.

Trong đó, Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội Nhà văn, tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Yên là những Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%.

Lãnh đạo Bộ Tài chính đã thẳng thắn đánh giá, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đây và năm 2019 rất chậm. Theo số liệu thống kê, trong ba năm 2016-2018, tổng số vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là 137.176 tỷ đồng, đạt 74,53% dự toán được Quốc hội giao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, vướng mắc chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề như khâu giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; một số chủ đầu tư chưa lường trước được các yếu tố tác động nên xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với khả năng thực hiện của các dự án, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn nhiều so với khả năng thực hiện. Vì vậy, kết thúc năm dự án không giải ngân hết kế hoạch được giao, phải cắt giảm hoặc chuyển nguồn sang năm sau; Một số dự án không có khả năng thực hiện vẫn được đăng ký và giao kế hoạch vốn nên không thể giải ngân; Công tác phân bổ kế hoạch vốn còn chậm, giao nhiều lần chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án; Việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án còn chưa kịp thời gây khó khăn cho công tác giải ngân…

Tin KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: