Tích cực tăng cường công tác đầu tư công tại Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đăng ngày: 18-06-2020 | Lượt xem: 751
Thủ trưởng cơ quan quản lý và Chủ đầu tư các dự án đầu tư công phải khẩn trương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ trưởng giao hoặc cho phép điều chỉnh để bù đắp khối lượng giá trị không thể thực hiện trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có cam kết giải ngân 100% vốn được giao (bao gồm cả vốn 2018 và năm 2019 chuyển sang) trước ngày 31/12/2020. Để thực hiện, các đơn vị có trách nhiệm:

Ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư. Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020.

- Đến hết tháng 8/2020 giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài từ các năm 2018, 2019 sang năm 2020; đến hết tháng 9/2020 tỷ lệ giải ngân phải đạt trên 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2020; hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công năm 2021 trong tháng 6/2020 và hoàn thành phê duyệt các dự án trước 31/10/2020; thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 04 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp...

 Tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công phải theo đúng quy định hiện hành của nhà nước về tiêu chuẩn, định mức về diện tích xây dựng, trang thiết bị chuyên dùng; các quy định về đầu tư, xây dựng và các quy định hiện hành và các quy định về đấu thầu, nghiệm thu, rút vốn và thanh toán vốn đầu tư công.

Khẩn trương xây dựng các dự án đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt chủ trương đầu tư, hoàn thành dự án trình Bộ trưởng phê duyệt trước ngày 31/10/2020 làm căn cứ phân bổ vốn đầu tư công năm 2021. Chấn chỉnh việc tổ chức lập dự án đầu tư công, lựa chọn tư vấn để đảm bảo dự án có tính khả thi cao khi tổ chức thực hiện, tránh tình trạng phải phê duyệt điều chỉnh nội dung, thiết kế kỹ thuật, dự toán và kéo dài thời gian thực hiện nhiều lần.

Các đơn vị khẩn trương rà soát các dự án đầu tư công giai đoạn 2021­2025 đã được Bộ đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xác định cụ thể lại mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và tổng mức đầu tư của dự án, trên cơ sở đó xác định thứ tự ưu tiên để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với khả năng cân đối của NSNN.

Các dự án đã hoàn thành, Chủ đầu tư phải thực hiện lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành trình cơ quan quyết định đầu tư thẩm định phê duyệt theo đúng thời gian quy định. Dự án hoàn thành không kịp thời trình phê duyệt, không có cơ sở để bố trí vốn đầu tư công bổ sung trả nợ (nếu có), đơn vị phải tự chịu trách nhiệm và giải quyết tồn tại. Tăng cường chế tài xử phạt đối với chủ đầu tư chậm trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Chủ đầu tư các dự án đã hoàn thành trước năm 2020, nhưng đến nay chưa trình Bộ trưởng phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành phải tự tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan và báo cáo Bộ trưởng.

Các công trình, hạng mục công trình đầu tư hoàn thành phải thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hàng chính để kịp thời đưa vào sử dụng, vận hành, đặc biệt là các trạm quan trắc tài nguyên môi trường nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý.

Tin KHTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: