Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022

Đăng ngày: 30-06-2022 | Lượt xem: 443
Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, ngày 08/01/2022  Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Triển khai các Nghị quyết trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Sự kiện SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch, văn hoá sôi động hơn, tạo cú hích cho phục hồi kinh tế.

Trên cơ sở đó, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch COVID-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022 như sau:

Tổng sản phẩm trong nước:  (GDP) quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021[2]. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70% (đóng góp 48,33%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với mức tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60% (đóng góp 46,60%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,13%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 vẫn giữ mức tăng khá trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định; hoạt động khai thác và tiêu thụ gỗ có nhiều khởi sắc; nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tốt do nhu cầu tiêu dùng và giá xuất khẩu tăng. Tuy nhiên sản lượng thủy sản khai thác biển giảm do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ. Sản lượng lúa đông xuân giảm do chuyển đổi diện tích đất trồng lúa và thời tiết không thuận lợi.

Vụ KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: