Hoạt động tuyên truyền của ngành TN&MT năm 2022 xác định chú trọng vào 6 nội dung lớn. Đó là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế về quản lý tài nguyên, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thúc đẩy chuyển đổi số trên nền tảng tài nguyên số, xây dựng nền tảng dữ liệu lớn; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm minh các vi phạm, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển đất nước, từng địa phương; công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể trong tiếp cận tài nguyên; Triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, chặn đà và từng bước đảo ngược xu thế suy thoái về môi trường, các hệ sinh thái; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ mới.
Các hoạt động tuyên truyền còn hướng vào nội dung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo khí tượng thủy văn và nguồn lực từ tài nguyên; tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thu hút các dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng; tạo cơ chế để giải phóng nguồn lực từ tài nguyên và thích ứng tình hình mới; nâng cao nhận thức của người dân và huy động vai trò đóng góp của cộng đồng thúc đẩy thực hiện hiệu quả về quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Cụ thể, nội dung quan trọng là quá trình xây dựng, trình Quốc hội dự án sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013; Luật Tài nguyên nước năm 2012; tổng kết đánh giá và lập hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số đề án quan trọng khác. Thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ quản lý nhà nước và nhận thức, hành động của toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các nội dung về cải cách hành chính, chuyển đổi số; triển khai chính sách pháp luật; các điển hình tiên tiến, sáng kiến, phong trào thi đua… cũng là nội dung được chú trọng.
Tạp chí KTTV