Cải cách hành chính - Thước đo chỉ đạo điều hành

Đăng ngày: 19-07-2018 | Lượt xem: 3490
Cải cách hành chính (CCHC) là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TN&MT - Bộ đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch và yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác CCHC, từ đó, góp phần tác động tích cực đến công tác quản lý Nhà nước về TN&MT.

Cải cách hành chính góp phần tác động tích cực đến công tác quản lý Nhà nước về TN&MT. Ảnh: MH

Dấu ấn nửa đầu năm 2018

Bộ TN&MT đã đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp theo hướng chú trọng thực chất, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí; tăng cường hướng về địa phương, cơ sở, đặt trọng tâm vào công tác rà soát và tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân và doanh nghiệp và TTHC nội bộ theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân; kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quy trình giải quyết TTHC.

Thời gian qua, Ban Cán sự Đảng đã ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành TN&MT. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị 04/CT-BTNMT về tăng cường hiệu quả công tác cải cách hành chính trong cơ quan, đơn vị ngành TN&MT. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu ngành TN&MT nên công tác CCHC thời gian qua đã đạt được những dấu ấn quan trọng là thước đo trong chỉ đạo điều hành của Bộ.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, công tác CCHC được tập trung chỉ đạo với 3 trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy và hiện đại hóa nền hành chính. Bộ TN&MT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bãi bỏ một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực TN&MT, trong đó, đề xuất bãi bỏ và đơn giản hóa 99/163 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm khoảng 60%. Công bố phương án cắt giảm cắt giảm 38/74 hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành và bãi bỏ, đơn giản hóa 13/13 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Bộ TN&MT xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một giải pháp có ý nghĩa quyết định, góp phần tự động hóa, tối ưu hóa, đơn giản hóa các quy trình TTHC, tạo ra phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc mới. Thông qua hoạt động ứng dụng CNTT, tổ chức, cá nhân sẽ dễ dàng liên kết với các cơ quan hành chính, đặc biệt trong giải quyết TTHC bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Vì vậy, nửa đầu của năm 2018, Bộ TN&MT đã tiếp tục đẩy nhanh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý từng bước thực hiện giảm giấy tờ trong điều hành, hiện đại hóa nền hành chính. Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 82 TTHC, trong đó, có 67 dịch vụ công mức độ 3, 15 dịch vụ công mức độ 4 (có 11 TTHC kết nối với Cổng thông tin Một cửa quốc gia). Kết quả chỉ số CCHC của Bộ đã có những bước tiến đáng kể, kết quả xếp hạng năm 2017 là 10/19 các Bộ, cơ quan ngang Bộ (tăng 6 bậc so với năm 2016); xếp hạng về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử năm 2017 đứng thứ 5 trong các Bộ, ngành...

Tạo chuyển biến ở các đơn vị trực thuộc

Vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 995/QĐ-BTNMT phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ TN&MT. Kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 của các đơn vị được chia thành 3 nhóm, nhóm 1 đạt trên 90 điểm (3 đơn vị), nhóm 2 đạt trên 80 điểm (5 đơn vị), nhóm 3 đạt trên 70 điểm (1 đơn vị).

Nhóm 1, cả 3 đơn vị dẫn đầu đều có sự chênh lệch điểm không đáng kể, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là đơn vị vươn lên dẫn đầu với 91,89 điểm; đặc biệt, Cục Viễn thám quốc gia xếp hạng cuối cùng của năm 2015 nhưng năm 2017 đã vươn lên vị trí thứ 2 với 91,07 điểm; chỉ kém hơn 0,05 điểm so với Cục Viễn thám quốc gia, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam xếp thứ 3 với 91,02 điểm.

Nhóm 2, dù đây là năm đầu tiên được đánh giá nhưng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường cũng đạt được kết quả tốt khi xếp ở vị trí thứ 4 với 88,46 điểm; tiếp sau đó là Tổng cục Quản lý đất đai (đạt 88,27 điểm), Cục Quản lý tài nguyên nước (đạt 88,09 điểm), Cục Biến đổi khí hậu (đạt 85,06 điểm), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (đạt 83,51 điểm).

Qua 4 năm thực hiện đánh giá, xác định Chỉ số CCHC và giá trị tăng/giảm điểm số giữa các năm cho thấy, năm 2017, Chỉ số CCHC của các đơn vị đa số đều tăng. Giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2017 của các đơn vị đạt được là 87,16 điểm, tăng hơn so với các năm trước đây (năm 2013 đạt 74,93 điểm; năm 2014 đạt 80,47 điểm; năm 2015 đạt 81,49 điểm).

Có 6 đơn vị có kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 tăng hơn so với kết quả Chỉ số CCHC năm 2015; 4 đơn vị có kết quả Chỉ số CCHC qua 4 năm đánh giá đều tăng điểm so với năm trước, gồm: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu. Kết quả này cho thấy những nỗ lực, tiến bộ đạt được trong tổ chức thực hiện CCHC của các đơn vị trong năm 2017, từ chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; đến cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức cũng như hiện đại hóa nền hành chính.

Nhìn nhận từ những kết quả trên cho thấy, các Tổng cục, các Cục trực thuộc Bộ tiếp tục có nhiều nỗ lực trong công tác CCHC góp phần hiện đại hóa ngành TN&MT ngày càng phát triển và lớn mạnh đáp ứng nhu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: